Bạn có muốn được bước lên một cỗ máy thời gian? Hãy đi tới Phượng Hoàng Cổ Trấn.
Thời khắc hoàng hôn, thời khắc hoàng hôn, thời khắc rực rỡ, tại sao ta lại phải filter nó bằng sắc xám?
Chúng mình tới Phượng Hoàng Cổ Trấn (Fenghuang - 凤凰) sau khi vừa trải qua mấy ngày không đẹp trời lắm ở Quảng Tây khiến cho nhiều phong cảnh không được đẹp như trên quảng cáo.
Thật may mắn khi thị trấn chào đón với những làn gió tươi mới trong một ngày mát mẻ, trong xanh. Nó khiến mình vỡ òa khi đi qua con đường Nam Hoa (南华) bắc qua sông, nơi bạn có thể trải rộng tầm mắt lên thị trấn đang khoác trên mình tấm áo tinh khôi của ánh mặt trời.
Vào thời điểm đó du khách vẫn chưa chen kín các con phố nên vẻ đẹp của Phượng Hoàng được thể hiện một cách tỏ tường nhất.
Một khi bạn có cơ hội đến thăm Phượng Hoàng, mình tin chắc bạn sẽ làm chuyện này: bước trên sông qua những bậc đá.
Thị trấn khá nhỏ và đó là điều kiện tuyệt vời để khám phá mọi ngả đường bằng việc đi bộ. Khi bạn đi về phía nam, sẽ có nhiều điều bất ngờ xuất hiện tại một góc ẩn khuất nào đó. Mình nghĩ những con đường nhìn ra sông sẽ là những đường mặt tiền, còn những đường ở phía nam thì ít bận rộn đông đúc hơn.
Bạn có thể bắt gặp Quảng trường Văn hóa khá rộng cũng như Cửa Tây (tuy tên vậy nhưng thực ra ở phía nam). Phượng Hoàng có 4 cửa: Nam Hoa, Bắc, Đông và Tây và 2 bờ thành: một ở giữa Cửa Nam Hoa và Cửa Đông, một ở gần Cửa Tây. Cạnh Cửa Tây sẽ là một con kênh nhỏ trông khá nguyên sơ và duyên dáng.
Đó không phải là Trung Hoa nếu không có trang trí đèn lồng. Quay ngược về hướng bắc để đến những lối hẻm gần Cửa Đông và chúng mình bị choáng ngợp bởi sắc đỏ trong từng ngóc ngách. Màu đỏ rất hợp với bầu trời xanh hôm đó khiến cho khung cảnh trông như tranh vẽ mà chẳng cần qua chỉnh sửa.
Nếu bạn để ý, chúng ta đã có sắc xanh, sắc đỏ, và giờ là sắc lục. Thật may mắn cho chúng mình được chiêm ngưỡng tất cả các màu sắc rực rỡ này chỉ trong một ngày nhờ nắng đẹp.
Đây chính là lý do tại sao mình nói thị trấn đã gửi một món quà đến mọi du khách: một sự tương hợp hoàn hảo của thời gian và không gian.
Hồng Kiều (虹橋) ở ảnh trên - hay là Cầu Cầu Vồng - là một nơi điển hình để săn ảnh ở Phượng Hoàng, dù là nhìn từ trên cao hay từ dưới thấp, lúc hoàng hôn hay bình minh. Ở phía trong có nhiều cửa hàng mà bạn có thể chiều chuộng bản thân bằng vài món lưu niệm xinh xinh.
Mình thực sự biết ơn khoảnh khắc khi một chiếc thuyền bất ngờ lướt qua ngay trước mặt, trên nền xanh lục toàn bích. Chúng mình hăm hở muốn chụp càng nhiều càng tốt, nhưng mình nghĩ đã đến lúc hạ máy ảnh xuống và im lặng chiêm ngưỡng nó bằng mắt trần.
Sau buổi nghỉ trưa như thường lệ, mình chờ đến 4 giờ chiều để lại tiếp tục hành trình. Lần này mục tiêu của mình đơn giản chỉ là đuổi bắt hoàng hôn.
Đây là bức panorama chụp toàn cảnh Phượng Hoàng, khi đứng từ trên Cầu Gió (Phong Kiều).
Hoàng hôn phối màu thật mê hoặc tài tình, như thể mọi thứ đang bước ra từ một bức tranh sơn dầu.
Mình không thể tả lại được niềm hân hoan khi chụp tấm này vì không từ nào diễn tả được. Mất hai tiếng để canh hoàng hôn và chiếm một chỗ đứng đẹp cho cái tripod, và thành quả thì thực xứng đáng.
Mình đã chụp cả trăm pô từ điểm này với đủ kiểu setup và chúng đều đẹp đẽ, tuy nhiên chỉ có vài tấm là có cơ hội được chọn vào bài viết này thôi.
Thị trấn vào buổi tối lại khá ồn ào, vì những căn nhà gỗ cạnh sông trông cổ kính đấy hóa ra lại là mấy nhà hàng karaoke trang bị loa công suất lớn. Giờ thì cổ trấn cũng như một đô thị bận rộn bình thường mà thôi.
Vào ngày thứ hai thời tiết ở Phượng Hoàng không còn lý tưởng như ngày đầu nữa, nhưng dù sao sắc thái âm u cũng tạo cho phong cảnh một diện mạo mới.
Đi xa ra cầu Phượng Hoàng về phía tây bắc, cạnh bờ sông là các quầy sản phẩm thủ công của người dân tộc thiểu số, chẳng hạn như người Miêu (苗) hay người Thổ Gia (土家).
Đặt trên những tấm vải lụa màu hổ phách, những vật lưu niệm be bé xinh xinh như bùa may mắn, ví hay vòng tay trông thật hấp dẫn người qua đường, và bạn không thể ngó lơ được.
Mình nhận ra ngày thứ hai mình tập trung về văn hóa bản địa và ít chú ý hơn những đặc trưng du lịch thường thường như ngày đầu, vì vậy mà cảm giác cuộc sống có phần chậm rãi hơn.
Mình mở chiếc ô khi bầu trời trở nên đen kịt, nhưng điều đó cũng không khiến mình dừng việc chụp hình được. Một tay cho ô một tay cho máy cũng vẫn ô-kê-la, mặc dù cũng có phần mỏi đấy.
Và đây là một bức ảnh đáng nhớ. Kinh điển đi-trong-mưa.
Và kết thúc bằng việc chúng mình đã thấy mọi màu sắc lấp lánh trong màn đêm đó.
Bài viết này là một phần của series Trung Quốc.
Viết vào tháng 3 năm 2019 © Zuyet Awarmatik.Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.
Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.
“Papa Money” bởi The Sam Willows
Khi lên chuyến xe từ Phượng Hoàng đi Trương Gia Giới, bài hát Papa Money cứ vang vang mãi trong đầu mình và mình đã replay nó cả trăm lần. Chỉ là một lần tình cờ nghe trên Spotify, thế mà lại dính với nó mãi mãi.