Hãy để mọi xúc cảm hóa băng trong những thước phim chụp vào một ngày cuối đông.
Dù đó chỉ là một thoáng bắt hình ngẫu nhiên, bức ảnh này toát ra mọi sự tụ hội, chuyển động và đứng yên trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi ấy.
Đây không phải là lần đầu tiên mình đến châu Âu vì mình đã từng đi du lịch nơi đó hai lần mấy năm về trước. Cũng chẳng phải là để nghỉ ngơi thư giãn vì mình phải đi công tác nguyên tuần. Tuy nhiên, thứ mình thu hoạch được sau những giờ phút lang thang ở Berlin là những bức hình có phong vị điện ảnh khiến mình thích thú nhất xưa giờ.
May mắn thay mình tới Berlin vừa lúc cơn bão tuyết khiến nhiệt độ châu Âu giảm còn -20°C vừa đi qua. Lúc này thì thời tiết chỉ tầm 0°C, khá dễ chịu đối với một người đến từ xứ sở nhiệt đới.
Khách sạn của mình gần Trạm gác Charlie (Checkpoint Charlie), một tàn dư có tính biểu tượng của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh - bây giờ đã thành một điểm du lịch mà mọi người có thể tham quan. Mỗi ngày đến văn phòng mình đều đi bộ qua con đường ký ức này, đường Friedrich (Friedrichstraße), từ Đông sang Tây Berlin, mặc dù hướng di chuyển là bắc-nam.
Mình sắp xếp xong xuôi mọi thứ khi đã cuối giờ chiều, sau đó mình đi dạo nhanh về phía Cổng thành Brandenburg (Brandenburger Tor).
Thứ lỗi cho mình vì những bức ảnh dưới đây trông thật lạnh lẽo và ngả xanh. Bởi vì thời tiết thực sự lạnh ở ngoài trời lúc đó.
Cách không xa Brandenburg là Quảng trường Potsdam (Potsdamer Platz), một quảng trường hiện đại và bận rộn bao quanh bởi những tòa nhà cao tầng (đằng sau nó là cả một chương lịch sử dài). Mình đến để chụp những bức phơi sáng góc siêu rộng, trong một hoàng hôn lạnh và mưa phùn.
Hiệu ứng phản chiếu nhờ mặt đường ẩm đóng vai trò quan trọng trong những bức ảnh này khi nó thể hiện ánh sáng bằng những cách mới lạ. Cái sự chịu đựng dưới trời mưa lạnh để lắp đặt tripod và chờ lá khẩu camera chập lại sau mấy phút, mình nghĩ là rất đáng. Đó là thứ mình thường làm, mình hay gọi nó là sự ngóng đợi.
Trong suốt cả tuần ở Berlin, nghe dự báo thời tiết thấy toàn mây và mưa, có vẻ không lý tưởng cho chụp ảnh lắm, ha?
Nên mình quyết định tận dụng hết mức ngày Chủ nhật nắng ráo để có thể tới được càng nhiều nơi càng tốt.
Trông khá là chói lóa đấy. Và đây là một tấm ảnh từ xa:
Khu vực này ở trung tâm Berlin (Berlin-Mitte) có một tá những điểm du lịch nổi tiếng, gồm có Tháp truyền hình Berlin (Berliner Fernsehturm), nhà thờ thì có Nhà thờ lớn Berlin (Berliner Dom) và Nhà thờ Thánh Mary (Marienkirche), chưa kể đến rất nhiều bảo tàng, đó là lý do nó được đặt tên là Đảo Bảo tàng (Museum Island).
Tháp truyền hình Berlin, công trình cao nhất nước Đức (368 m), là một địa điểm biểu tượng được xây dựng từ thời Đông Đức, nơi bạn có thể quan sát toàn thành phố.
Cũng như mọi lần khi tham quan một thành phố, mình sẽ lên tầng quan sát và ngắm nhìn những chiếc xe thu nhỏ đang di chuyển dưới đất kia.
Bầu trời thật trong xanh, quả là một bối cảnh hoàn hảo cho những tấm hình chụp phong cảnh ban sáng.
Mình thường nghỉ ở khách sạn trong khoảng 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều do chụp ảnh thời gian này không cho kết quả như ý lắm, nó sẽ bị thừa sáng. Từ 3 giờ trở đi là lúc mình đuổi bắt khoảnh khắc vàng của ngày: những hoàng hôn kỳ diệu.
Những bức ảnh này nhắc mình nhớ về quãng đường đã đi qua: từ Stadtmitte, qua Cổng Hallesches và nhà ga Görlitzer để đến đường Warschauer.
Bạn còn nhớ tấm ảnh ở đầu bài? Nó đi theo cặp đó.
Mình luôn cảm thấy khoảnh khắc này sẽ lại sống dậy trong tâm trí mình.
Nếu bạn du lịch Berlin mà không nghía được bức tường dù chỉ một giây, đó là một sự thiếu vắng rất chi là to lớn.
Trái ngược với lịch sử có phần khét tiếng và đẫm máu, bức tường - bây giờ đã được trang trí bằng vô số bức tranh (không phải là vẽ bậy nguệch ngoạc đâu, nó được gọi là Gallery Bờ Đông - East Side Gallery mà) - thực sự đầy sức sống, với thanh niên nam nữ chuyện trò tán gẫu, uống bia, và chắc cũng đang chờ đợi hoàng hôn như mình?
Phần còn sót lại của Bức tường Berlin nằm bên bờ sông Spree, nên bạn cứ đến đó trước, sau đó đi dạo dọc Gallery Bờ Đông để tới cầu Elsen (Elsenbrücke), nơi bạn bắt gặp tác phẩm điêu khắc Người Phân Tử (Molecule Man) trên mặt sông.
Và cũng không thể bỏ qua cầu Oberbaum (Oberbaumbrücke) hai tầng, một địa danh nối liền hai khu dân cư đã từng bị chia cắt bởi Bức tường Berlin.
Mình không có nhiều thời gian rảnh để thăm thú Berlin những ngày này, nhưng mình nhận ra là có thể dành thời gian cho một chủ đề nhiếp ảnh đặc thù: phố đêm.
Thật là một sự sắp đặt hoàn hảo! Ánh đèn neon, mặt nước phản chiếu, những chiếc ô và những con người đi lại. Nhưng thứ giúp ích mình nhất đó chính là chiếc ống kính tiêu cự dài cho phép chụp những khung hình ở trên đường. Bạn không thể đặt bản thân vào thế khó khi đứng giữa những làn xe qua lại, hãy đứng ở làn đi bộ và cứ thế zoom vào cảnh vật.
Mình chưa show một tấm chụp Trạm gác Charlie, nên đây là một cái như vậy:
Để ghi nhớ, mấy con đường đó là đường Rudi-Dutschke, đường Charlotten, đường Friedrich, đường Zimmer và đường Mauer.
À thì những con phố trong đêm trông hấp dẫn thật đấy, nhưng cũng chính lúc đó mình nhận ra rằng đi bộ trong mưa dưới chiếc ô là một biểu hiện của sự cô đơn.
Vào ngày cuối làm việc khi mình đã clear hết task, mình có thể rời văn phòng trước khi mặt trời lặn, việc đến thăm Đài tưởng niệm diệt chủng Do Thái (Holocaust Memorial) không phải là một ý tồi, vì nó ở ngay cạnh Cổng thành Brandenburg.
Những trụ đá màu xám hòa vào nền trời nhiều mây lạnh lẽo mô tả đúng ý nghĩa của nó: sự vô vọng và cô đơn. Một khi bạn đã lạc vào trong mê cung này, bạn chỉ có thể nhìn về 5 hướng: đông tây nam bắc và nhìn lên trời. Những khối đá khổng lồ trông giống những tấm bia mộ, tách người du khách ra khỏi những con phố ồn ào ngoài kia.
Hôm đó nhiệt độ giảm còn -5°C nhưng vẫn nắng ráo, đó là nhiệt độ thấp nhất mình từng trải nghiệm. Mọi thứ vẫn ổn miễn là trời không mưa hay nhiều gió.
Mình chỉ lang thang mà không có mục tiêu cố định. Trong dự định mình tính đi Teufelsberg, nhưng có vẻ hơi khó do mình còn phải về sớm để ra sân bay nữa. Thế là mình đến nhà ga Anhalter, một công trường rộng rãi trông ra được Tempodrom, ngày nay còn lại một mảnh tường mặt tiền của nhà ga cuối khi xưa từng là một địa điểm khét tiếng.
Và mình sẽ kết bài với một trong những tấm ảnh đáng nhớ nhất của chuyến đi: một người đàn ông đang ngồi trước nhà ga Anhalter.
Bài viết này là một phần của series Đức.
Viết vào tháng 3 năm 2019 © Zuyet Awarmatik.Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.
Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.
“Holiday” bởi Suzy × DPR Live
Dù đây chẳng phải là một kỳ nghỉ, mình luôn cảm thấy nó như một giấc mơ diệu kỳ, và chất giọng Suzy đầy êm dịu hòa trong nhịp giai điệu R&B của bài Holiday sẽ luôn chở những kỷ niệm ùa về.