Một nơi thực sự hoàn hảo cho kế hoạch trốn khỏi thế giới và nuông chiều bản thân của bạn.
Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu thấy một người đứng cả ngày bên hồ và chẳng làm chi. Đó là lúc tâm hồn người đó đang thưởng thức một bữa tiệc.
Khi mình lên kế hoạch cho chuyến đi Nepal, tình yêu dành cho Pokhara cứ ngỡ như là từ cái nhìn đầu tiên. Nepal có rất nhiều điểm để tham quan, từ Annapurna, Gorkha, Chitwan cho tới Everest, nên việc chọn ra một mục tiêu xác định cho lần đầu tới đây không lấy gì làm dễ dàng. Pokhara trông thật đẹp trên những tấm hình trên mạng, và đến bây giờ mình chưa bao giờ phải cảm thấy thất vọng về nó.
Mình thức dậy lúc 5 giờ sáng và check out khách sạn sớm do chuyến bus sẽ khởi hành đúng 7 giờ sáng từ bến xe Kanti Path. Bạn chỉ có một khung giờ nếu đi từ Kathmandu đến Pokhara bằng xe bus (không phải là minibus), và chiều ngược lại cũng y như vậy.
Trong 8 tiếng ngồi trên xe, ban đầu bạn sẽ thấy hào hứng khi xe lăn bánh qua những ngọn đèo quanh co. Nhưng càng đi tới đoạn cuối, bạn càng chán chường khi nhìn ra ngoài cửa sổ. Luôn chuẩn bị cho mình một vài gói snack cho chuyến đi dài hơi này và một vài bản nhạc hay để giúp bạn ngủ nghỉ trên xe.
Trên đoạn đường sẽ có một vài trạm dừng và một điểm ăn trưa. Đã đến lúc thưởng thức ẩm thực địa phương rồi! Hãy ăn thật no và bạn sẽ dễ buồn ngủ hơn đấy, vì mấy giờ cuối bạn còn chẳng muốn nhòm ra ô cửa kính khi nắng chiều thật chói chang.
Khi tới nơi thì đã là 4 giờ chiều rồi. Bến xe có vẻ xa nhà nghỉ của mình, nên mình phải mất công một hồi để tìm taxi, trong khi ngoài trời thì nắng cháy da và bụi khủng khiếp.
Phòng nghỉ của mình có một chiếc ban-công, nơi mình có thể ngồi ngoài chill và thưởng thức vẻ đẹp mênh mang của hồ Phewa.
Mình cảm thấy thật thở phào nhẹ nhõm. Hoàng hôn, chúng ta lại gặp nhau rồi, và ngươi vẫn ngọt ngào và duyên dáng như xưa.
Bên bờ hồ người dân địa phương, cũng như mình, mải thích thú ngắm nhìn những vạt nắng chiếu lên mặt nước không một gợn sóng tựa một chiếc gương khổng lồ siêu thực. Mình cảm thấy như đang chìm vào hơi thở của sự sống, chả còn lo âu gì về những chuyện thường nhật nữa.
Mình nhớ mình đã chụp hàng trăm tấm hình cho cùng một cảnh, như thể nếu bỏ lỡ bất cứ một giây nào mình hẳn sẽ tiếc nuối lắm. Những bóng hình của người khắc lên trên những dải nắng lấp lánh, điểm cùng với ánh phản chiếu lung linh từ mặt nước.
…và còn gì tuyệt vời hơn cho khung cảnh này, khi ta trông thấy biểu cảm của tình yêu và sự thân mật?
Khi ngày dần chuyển thành đêm, những gam màu phủ lên phong cảnh cũng biến chuyển qua các sắc thái từ màu san hô, màu cam, màu cá hồi cho đến xanh hồng, từ bóng bẩy đến nhám lì.
Mình cứ nghĩ đó là tất cả những gì hồ Phewa có thể mang tới cho du khách, mình cữ nghĩ mọi thứ đều đẹp nhất trong ánh sáng cuối ngày; nhưng không, một khuôn mặt khác của hồ sẽ được phô diễn vào ngày tiếp theo, vào buổi sáng, thậm chí còn lộng lẫy hơn.
Để đuổi kịp lúc mặt trời mọc, mình cần dậy rất sớm và gọi taxi vào khoảng 5 giờ sáng đế đến chỗ Chùa Hòa bình Thế giới (Shanti Stupa), danh thắng thứ hai ở Pokhara. Ngôi chùa được xây dựng nên bởi một vị sư người Nhật Bản có tên Morioka Sonin, người xuất thân từ nhánh Nipponzan-Myouhouji-Daisanga của Phật giáo.
Nó đã thành công thức khi việc quan sát hoàng hôn là từ hồ Phewa, còn bình minh thì từ Chùa Hòa bình Thế giới; nếu làm ngược lại thì bạn sẽ để lỡ mất hết đó.
Từ ngôi chùa này bạn có thể thấy được toàn bộ khung cảnh của dãy Annapurna hùng vĩ, trong đó có đỉnh núi nổi tiếng Machapuchare.
Trong cái khoảnh khắc vàng này, khung cảnh trông thật đầy sức sống. Sự khác biệt giữa bình minh và hoàng hôn đó chính là việc bình minh sẽ không có hiệu ứng phát tán ánh sáng do bụi mù còn hoàng hôn thì có, nên ảnh bình minh lúc nào cũng trông rõ hơn. Về cá nhân mình thì mình sẽ ưa cái nét mềm mại của hoàng hôn hơn.
Đó chắc chắn là một điểm cộng khi bạn cảm thấy tất cả những nét đẹp của thiên nhiên trước mắt bạn đều là dành cho bạn mà thôi. Chỉ có khoảng 10 người cùng đến sớm như mình, thầm lặng thưởng thức và biết ơn những giây phút thanh bình. Vào khoảng 7 giờ sáng, những vị sư sẽ tiến hành các nghi lễ tôn giáo thường nhật, đó luôn là một điều tốt khi bạn tỏ ra lịch sự và tôn trọng, ít nhất là không nói chuyện ồn ào.
Giữa Pokhara và những con phố mua sắm đông đúc hay những điểm du lịch nổi tiếng để check-in trên Instagram quả như một trời một vực. Cái thứ hai không phải là type của mình vì để chụp đẹp khi đông người sẽ rất khó. Mình nghĩ nên ích kỷ một chút khi định không giới thiệu Pokhara tới mọi người, cốt để giữ gìn những gì tinh túy của nơi đây.
…thật tuyệt vời làm sao, cảnh hồ Phewa thấm đượm sức sống của buổi sớm.
Mình cũng cần phải cảm ơn người tài xế thân thiện đã làm anh hướng dẫn viên tốt bụng, anh ấy đã từng được nhà chùa nuôi nấng nên có một sợi dây liên kết đặc biệt với nơi này.
Nếu bạn hỏi mình Pokhara trông thế nào, thì mình sẽ nói ngay là nó thật khác xa so với Kathmandu và những vùng quê khác. Khi đi từ ngoại ô vào trung tâm của thành phố này, sự biến chuyển rất dễ nhận thấy: ở ngoài thành phố sẽ rất bừa bộn, bụi bặm, nhưng ở nội ô thì cực kỳ ngăn nắp, sạch sẽ và tươi mới. Vào thời điểm mình đến đây, không có nhiều người trên đường lắm, có lẽ là do đang trong ngày nghỉ lễ của bọn họ, hoặc đơn thuần là do nơi đây thưa dân.
Mình quay lại hồ Phewa cho một buổi sáng xả hơi, chiếc hồ lúc này cứ như thể đã diện một bộ cánh hoàn toàn khác.
Bầu trời xanh trong làm hiện lên những đỉnh núi tuyết lẩn khuất trong khói mù hoàng hôn hôm qua. Trong ánh ban mai, chúng trông thật hùng vĩ không thể chê được, bóng phản chiếu trên mặt nước của chúng lại càng khiến cho khung cảnh nom như một bức tranh tài tình của tạo hóa.
Mình sẽ không bàn luận gì thêm nữa, vì hình ảnh đã tự nói lên rồi. Ý mình là, vẻ đẹp khiến ta câm nín.
Mình dành hẳn gần 3 tiếng chỉ để chill trên chiếc ghế tồi tàn bên hồ, ăn món mì xào chowmein và hoành thánh momo tuyệt nhất cho bữa sáng no căng, nựng chú chó ngủ ngay dưới chân mình, và cảm thấy thời gian trôi qua chưa bao giờ chậm đến thế. Đó sẽ luôn là những giờ khắc đẹp nhất trong đời.
Đã đến lúc phải chào tạm biệt Pokhara rồi. Nếu mình có thể thăm lại nơi này 100 lần nữa, mình sẽ vẫn làm.
Bài viết này là một phần của series Nepal.
Viết vào tháng 3 năm 2019 © Zuyet Awarmatik.Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.
Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.
“Lullaby” bởi Joakim Karud
Lúc ở Nepal mình có nguyên một list nhạc Joakim Karud mang theo để nghe, trong số đó có bài Lullaby. Mình không biết ý nghĩa của nó là gì, nhưng giai điệu nó truyền tải giúp mình thấy cả một bầu trời tự do và an yên.