Về màu sắc, đó là những ngôi chùa vàng óng, về mùi hương, đó là thứ nước trầu cau đã khắc họa Yangon vào trong tim ta.
Chúng ta cảm thấy mình bé nhỏ nhưng an yên dưới chân những bảo tháp tráng lệ, thứ nổi bật nhất trên skyline thành phố này.
Mình có chuyến du lịch ngắn tới Yangon để kết thúc một năm 2018 với nhiều chuyện hay ho. Với kiểu du lịch thoát ly như thế này, nó thường là nhằm nạp lại năng lượng sau những giờ làm việc căng thẳng, và đi resort thì lý tưởng hơn cả. Còn theo mình thấy, nó giống như một mật vụ do thám đầy kịch tính, bạn đến và đi như làn gió bay, nhưng kỷ niệm thì sẽ luôn ở bên bạn mà không suy suyển. Mỗi giây đều quý giá, mỗi bước chân ta đi đều cho ta thấy điều ngạc nhiên.
Chúng ta biết trước là sẽ thấy phụ nữ Myanmar đều thoa lên mặt một lớp kem thanaka, còn mọi người thì mặc loại váy longyi rực rỡ sắc màu mà từ tốn đi trên đường phố để mua hàng. Một vài người ngồi nhâm nhi tách trà truyền thống trong một buổi sáng đẹp trời. Điều mình có thể chắc chắn đó là thành phố này đã bảo tồn được nét đẹp nguyên sơ và không có sự chen lấn từ hàng đoàn du khách đứng che mất những cảnh đẹp quý giá.
Ta cũng có thể dễ dàng thấy những nhà sư đi trên phố, cùng với những người phụ nữ Hồi giáo vấn hijab và những anh chàng gốc Ấn loanh quanh khắp nơi. Những nhà thờ Thiên Chúa giáo trông cũng đẹp đẽ, đó là kết quả của quá trình truyền giáo ở Myanmar vào đầu thế kỷ XX.
Người Myanmar đi bộ rất nhiều (và lái xe cũng rất nhiều luôn). Không phải kiểu thương gia trong bộ complê băng nhanh qua giao lộ Shibuya ở Tokyo, mà nó thực sự là một dạng nguyên liệu vừa vặn cho nhịp sống từ tốn này.
Hỗn loạn theo một nghĩa tích cực. Những con phố ở Yangon thì chật cứng với những chiếc xe hơi, nhưng bằng cách nào đó mọi người vẫn tìm ra được cách để tiến xe lên. Xe ở Myanmar thì thường là loại nhập khẩu cũ, nhưng tình hình này trong vài năm tới có thể thay đổi.
Thứ hai, những tập đoàn bồ câu. Thật thú vị để quan sát chúng từ xa mỗi khi có người chọc vào đàn chim, nhưng mình khuyên bạn không nên là người chọc đó.
Nói điều này có vẻ thừa thãi rằng chúng ta sẽ tìm thấy được bình yên mỗi khi quan sát hoàng hôn ở Yangon, đặc biệt với phông nền là một ngôi chùa tháp. Tuy nhiên, phần quan trọng tạo nên cá tính của thành phố này không chỉ gói gọn ở những địa điểm tôn giáo. Hãy lạc trên những con đường với hai bên ken kín những tòa nhà sơn màu sặc sỡ, những chiếc ăng-ten chảo màu xanh da trời và những mạng dây điện chằng chịt khắp mọi nơi.
Như thể thành phố này vừa được đánh thức sau một giấc ngủ dài.
Ngoài những điều kể trên, thành phố này được quy hoạch khá tốt, với những khu vực rộng lớn dành riêng cho giải trí công cộng như công viên, hồ nước và quảng trường. Những tòa nhà cổ xưa thì vẫn duy trì được sự duyên dáng trong phong cách kiến trúc thời thuộc địa Anh, tuy đôi lúc có phần xuống cấp, có lẽ là do một giai đoạn dài đất nước này bị cô lập.
Một thành phố đang phát triển như thế nào thì ta hãy nhìn vào cuộc sống về đêm của nó, khoảng thời gian vừa chập tối, khi chúng ta va vào những ánh đèn neon, những vệt đuôi xe dài uốn lượn, và bóng hình của những người đang vội vã.
Phố Tàu Yangon nằm về phía tây Chùa Sule, gồm một số con đường nhộn nhịp với đường số 19 là trung tâm. Có nét tương tự với những con phố cổ gần đó, Phố Tàu mang một số đặc điểm khiến cho nó dễ nhận ra, chẳng hạn như những ngôi đền của người Hoa, và những cánh cửa phong cách thời thuộc địa Georgian, giống với Singapore hay Malaysia vậy.
Tuyến đường sắt vành đai Yangon có lẽ là phương tiện dễ dàng nhất để khám phá toàn bộ bức tranh Yangon, từ khu vực trung tâm đông đúc cho đến vùng ngoại ô sôi động ở phía bắc. Hệ thống này được xây dựng từ thời kỳ thuộc địa Anh (với các toa tàu được tài trợ bởi Nhật Bản, đôi khi bạn có thể thấy những tấm biển in bằng tiếng Nhật), không nhanh và thoải mái lắm, đã thế còn nóng như đổ lửa mà không có điều hòa, tuy nhiên hành trình này rất đáng để cho các du khách ba-lô không tìm kiếm một kỳ nghỉ xa hoa thử.
Làm như một người địa phương làm, mình mua vé tàu với giá 200 Kyat mỗi lượt, đó quả là một mức giá hời để có thể quan sát cuộc sống diễn ra như thế nào. Các toa tàu trông giống như những khu chợ mini nơi mà người người kiếm sống bằng việc mang hàng hóa thu hoạch xuống phố.
Mình cá là phần lớn các bức ảnh bìa trên những tờ hướng dẫn du lịch về Yangon sẽ mô tả vẻ hoành tráng của Chùa Shwedagon, được cho là ngôi bảo tháp Phật giáo lâu đời nhất trên thế giới, và là kiến trúc cao nhất, nổi bật nhất skyline thành phố.
Mọi người sẽ được yêu cầu bỏ giày dép trước khi vào trong khu vực linh thiêng này, vì vậy sáng sớm và chiều muộn sẽ là hai thời điểm thích hợp nhất. Mình đến đây vào lúc hoàng hôn, khi hàng ngàn cây nến được thắp lên, và những người hành hương thì đi vòng tròn trong không gian của những câu kinh kệ Phật, tạo nên sự hòa quyện tuyệt vời giữa mùi hương, ánh sáng và âm thanh.
Bạn cũng có thể đi bộ tới hồ Kandawgyi để có được một góc nhìn toàn cảnh ra Chùa Shwedagon.
Mặc dù có phần hơi lạc đề, mình sẽ khuyên bạn đến thăm Dinh thự Karaweik bên hồ, một địa điểm xuất hiện cũng phổ biến không kém những ngôi chùa ở Yangon trong các hướng dẫn du lịch. Đoán xem nào, đó không phải là một nơi linh thiêng nào cả, chỉ là một nhà hàng để ăn no bụng với những món ăn Myanmar ngon lành, như salad lá trà, mohinga hay mì dân tộc Shan.
Myanmar là một nơi hòa trộn văn hóa và của sự hòa hợp, cả thời gian và không gian. Hãy để cho bản thân bạn được tự do, dám đương đầu với những rủi ro nho nhỏ để khám phá sự độc đáo của nơi đây, gác lại mối âu lo về sự an toàn vì họ sống thanh bình lắm.
Bài viết này là một phần của series Myanmar.
Viết vào tháng 1 năm 2021 © Zuyet Awarmatik.Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.
Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.
“Thằng Điên” bởi JustaTee × Phương Ly
Không có bài hát nào khác ngoài Thằng Điên có thể khắc họa lại những giây phút loanh quanh Yangon, ẩn thân trong những toa tàu chật chội, tại một nơi ít người lui tới, hay dưới cái nắng cháy da để chờ một phần snack chấm mút ngon lành bán ngoài phố.