Một thành phố từng là viên ngọc quý trên Con Đường Tơ Lụa, là trung tâm văn hóa và giáo dục của khu vực, chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm khi sự duyên dáng của nó vẫn chưa bị mai một.
Sau tất cả, mọi chuyện khóc cười trong đời có lẽ đều không thể bằng việc làm điều đó ngay dưới bóng đổ của khu phức hợp Po-i Kalyan lúc trời đã ngả tối.
Sau khi đặt chân lên toa tàu Afrosiyob ở ga Tashkent, trái tim mình tràn trề sự háo hức còn đôi mắt mình thì đang khấp khởi tò mò, mình mong đợi được ngắm nhìn sa mạc - nơi ấp ủ những giấc mơ của các đoàn lữ hành trên Con Đường Tơ Lụa, và chính hành trình qua những phong cảnh tuyệt trần đó đã giúp mình khỏi gật gù sau một chuyến bay dài. Đoàn tàu khởi hành lúc 7:28 sáng, băng qua gió bụi để tới Bukhara (Buxoro/Бухоро) vào lúc 11:19 trưa.
Có lẽ những vị khách từ Mỹ ngồi trước mình đang hỏi tại sao lại có một anh chàng Đông Á cứ chụp hình lia lịa vào cái sa mạc hoang vu kia. Vì đơn giản chúng ta ít có cơ hội được trải nghiệm một sự vật gì đó vàng chói và… khô cằn như vậy.
Mình cá với bạn rằng đi tàu Afrosiyob là một trải nghiệm không tốn giọt mồ hôi nào, nếu so với đoàn tàu đêm cũ kỹ đi từ Bukhara đến Khiva.
Và mình đã tới nơi, nhà ga Bukhara 1 Vozkal ở Kogon, sau đó mình đánh taxi về trung tâm của thành phố lịch sử này.
Mình làm y hệt mọi chuyến đi khác: làm thủ tục khách sạn, cất hành lý và tìm một nơi lấp đầy chiếc bụng đói. Du lịch không phải là du lịch nếu bạn không được ăn no ngủ kỹ.
Thư thả dưới bóng cây và thích thú cái nắng thu mát rười rượi là một điều xa xỉ, cũng giống như ở giữa nơi ốc đảo đầy sung sướng mà bao quanh nó toàn là bão cát cuồng phong chỉ trực chờ nuốt chửng bạn.
Thật là một khoảng thời gian thoải mái để cuốc bộ một cách từ từ lười biếng, trên con đường vắng vẻ không một chút bề bộn ồn ào phát ra bởi những tiếng còi xe.
Từ khách sạn của mình để tới Thánh đường Kalyan sẽ mất 20 phút, trên dọc đường đi có thể bắt gặp một vài khu chợ trời như Toqi Sarrofon hay Toqi Zargaron, nơi bạn có thể mua sắm những vật lưu niệm bắt mắt từ trang sức cho tới vải dệt. Đó là những cổng vòm mà bên trong chứa rất nhiều tiệm hàng, ngày xưa đóng vai trò là điểm dừng chân nghỉ ngơi quan trọng của các đoàn lữ hành, tiếng Anh gọi là caravanserai.
Không gian bên trong thực sự mát mẻ và tươi mới, nhưng cũng rất bình yên và không bị du lịch hóa. Đây là một nơi lý tưởng để chụp những tấm ảnh silhouette.
Đã đến lúc để khoe những tấm ảnh đẹp nhất của một chuyến đi mùa thu: màu cát vàng trên nền trời xanh tinh khiết.
Vào đầu giờ chiều, các tòa nhà gây kinh ngạc mình bằng một vẻ đẹp lộng lẫy; và đến khi hoàng hôn, những tia nắng xiên nghiêng phủ lên chúng, tạo nên nét duyên dáng làm hút hồn người lữ khách cô độc.
Con đường dẫn tới Thánh đường Kalyan có tên là Khakikat, nơi bạn sẽ cảm nhận đủ các cung bậc cảm xúc: tiếng kì kèo mua bán, tiếng chuông lanh canh từ xe đạp của mấy đám trẻ sau giờ tan trường.
Cuối cùng mình cũng đã đến đây, ngưỡng mộ cái tài của người kiến trúc sư và thợ thủ công đã xây nên Khu phức hợp Po-i Kalyan, “Bàn chân người khổng lồ”. Bao gồm Tháp Kalyan, Thánh đường Kalyan và Trường Hồi giáo Mir-i Arab, chúng thể hiện những đặc trưng của lá cờ Uzbekistan: những mái vòm màu lam ngọc và những bức tường được ốp men tinh xảo.
Ngắm nhìn mặt trời tiến về vị trí 8 giờ sáng hay 4 giờ chiều bên trong sân giáo đường (sahn) tạo cho mình một niềm phấn khích nguyên sơ. Ở bên trong sân có một cái cây dâu tằm cô đơn trơ trọi nhưng đáng yêu, trong một ngày hanh khô ở cái miền khí hậu này.
Một khi đã bước vào trong sân giáo đường, mọi ngóc ngách đều là địa điểm hoàn hảo cho những nhiếp ảnh gia tò mò chụp đó chụp đây, đặc biệt nhất là khi hướng máy ảnh từ trong những hành lang dài ra phía ngoài trời.
Bạn có thể không bao giờ biết được (nếu mình không kể) điều mình nhớ nhất là giọt nước mắt lặng lẽ khi ngồi trên những bậc thềm, đối diện Trường Hồi giáo Mir-i Arab vĩ đại, chờ đợi mặt trời hoàn tất công việc của mình trong ngày. Có lẽ nơi đây quá nguy nga để được cảm nhận một mình. Có lẽ chúng ta cảm thấy quá nhỏ bé trong vũ trụ này. Hay có lẽ, đơn giản chỉ vì một tình cảm đơn phương.
Khi ngọn tháp hiên ngang này được chiếu sáng, nó trông như một ngọn nến lộng lẫy, vây quanh là biển cả bóng đêm.
Nơi đây cũng là vị trí tuyệt vời cho một cuộc tán gẫu của những người bạn thời thanh xuân, vào một tối thứ bảy, không hơn không kém.
Mình không thể bỏ lỡ cơ hội được dậy sớm và chào “Assalomu aleykum” tới buổi sáng hôm ấy. Mình dự định sẽ tản bộ dọc khu vực trung tâm nơi có mặt Trường Hồi giáo Nadir Divan-Begi, Trường Hồi giáo Kukaldosh, Nadir Divan-Begi Khanaka và Thánh đường Magoki Attor, nơi mà cảnh mọi người đạp xe lên xuống đồi trông thật dễ chịu, thật yên bình.
Những bức ảnh chụp sáng hôm đó có một phong vị tinh khôi tự nhiên, với nhiệt độ màu thấp và vibe chậm nhẹ. Không cần thiết phải ken kín lộ trình của bạn với những địa điểm được đánh dấu trên bản đồ mà chỉ cần ngồi xuống, hít thở và cảm nhận.
Làm bạn với một ai đó và nhập vào một hội ngẫu nhiên trên phố dường như không thể dễ dàng hơn, đó là điều một du khách ba-lô thường làm trong cuộc đời của mình: tìm kiếm tương tác chân thực với những sinh vật trên Trái Đất này.
Buổi sáng cũng là lúc bạn có được những góc nhìn hoàn toàn mới mẻ. Hãy thử nghiệm bình minh thay vì hoàng hôn. Thử nghiệm 10 giờ sáng thay vì 4 giờ chiều. Thử nghiệm ảnh góc rộng thay vì ảnh focus một điểm.
…và lại là những nơi nổi tiếng.
Trời thêm trở gió khi ngày thứ hai của mình ở Bukhara sắp kết thúc. Nơi thưởng thức hoàng hôn tốt nhất như mọi lần là từ một cao điểm. Mình khuyên bạn nên ghé thăm Tháp nước Shukhova, một cấu trúc bằng thép được xây từ thời Soviet trong khoảng những năm 1927-1929, ngày nay trông nó có vẻ không mấy ấn tượng nhưng nó đã từng là một tuyệt tác kỹ thuật vào đầu thế kỷ XX. Giá vé tham quan (bằng thang máy) chỉ có 40.000 UZS.
Trong một khoảnh khắc, mình tự hỏi tại sao mặt trời trông tròn vành vạnh ở Uzbekistan, tại sao bóng những con chim là sự bổ khuyết tuyệt vời của hoàng hôn. Toàn mấy câu hỏi ngớ ngẩn. Câu trả lời rút cục cũng chỉ là vì những hình dạng rõ nét sẽ để lại ấn tượng nhiều hơn trong tâm trí ta.
Đây là những tấm ảnh có được khi bạn phóng tầm mắt về phía tây Bukhara, nơi một chiếc đu quay đứng sừng sững trông thật vừa vặn với toàn thể bố cục.
Thật tham lam khi phải nhồi nhét quá nhiều hình ở đây, nhưng chúng quá đẹp để khước từ. Thưởng thức hoàng hôn là một cái cớ hợp lý cho việc lười biếng và chậm trễ.
Đã tới giờ mình phải dùng bữa tối để chuẩn bị cho chuyến tàu đêm tới Khiva. Mãi nhớ, Bukhara.
Bài viết này là một phần của series Uzbekistan.
Viết vào tháng 6 năm 2021 © Zuyet Awarmatik.Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.
Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.
“Call Me Before You Sleep” bởi Jessica × GIRIBOY
Mình viết bài này vào thời kỳ COVID trong những ngày hè mệt mỏi tẻ nhạt, còn đây là bài hát được nghe vào thuở còn đang edit ảnh chuyến đi trước khi mọi sự hỗn loạn ập đến. Hy vọng nó có thể mang tới một chút hy vọng và hồi tưởng về những ngày tháng xưa cũ tươi đẹp.