Nếu thần đèn cho bạn một điều ước, bạn có muốn được sống trong thành phố này dù chỉ là một giây ngắn ngủi, lúc thành phố phồn hoa nhất?
Một kiến trúc lộng lẫy dành cho một lịch sử cũng lộng lẫy không kém của thành phố nổi tiếng thế giới này.
Rời Khiva vào buổi chiều cho phép mình có thể ngắm nhìn một buổi hoàng hôn đẹp đẽ cũng như thực sự được thấy sa mạc Kyzylkum một cách rõ nét. Tuy nhiên, mình đã không khỏe lắm vào ngày thứ 7 của chuyến đi vì bị cảm, nên việc phải ngủ trong một toa tàu nóng nực bí bức còn ở ngoài thì lạnh buốt khiến buổi tối đó không có cảm giác dễ dàng mấy. Thứ mình thu được là việc làm quen với những người bạn Uzbek trong hành lang chật chội đông đúc, dù họ nói tiếng Anh không giỏi lắm.
Trên tàu mình được dùng trà và vài miếng bánh quy, còn không thì mình sẽ ra căn-tin để ngồi thoải mái hơn, có khí trời hơn. Thực đơn thì cũng như mọi nhà hàng khác thôi, với món cơm plov và các món mì súp Uzbek.
Chuyến tàu dừng tại Samarkand vào khoảng 3:30 sáng, thời điểm không lấy gì làm đẹp. Mình phải ngồi vài giờ trong nhà ga để chờ chuyến bus đầu tiên, ít ra thì mình cũng có chút thời gian để chiêm ngưỡng kiến trúc bên trong, còn không gian thì khá yên tĩnh bình lặng. À nên nhớ là không được để lộ camera của bạn hoặc chụp ảnh gần nơi có nhân viên an ninh, bởi vì họ sẽ yêu cầu bạn không được làm thế.
Chuyến xe bus sáng đưa mình đến Registan, giá vé khá rẻ và mình có thể xí được chỗ ghế đầu ngay cạnh tài xế, quả là cơ hội vô giá để được chụp ảnh đường phố nơi đây (tuy có vẻ xóc). Đây là thời điểm mọi người đang trên đường đi học hay đi làm nên giao thông khá bận rộn.
Hai sắc màu nổi bật đến từ màu trắng của xe hơi và màu vàng của taxi. Mặc dù được xem là một thành phố lịch sử, Samarkand là một đô thị hiện đại và không có chiếc vibe cổ kính như ở Khiva hay Bukhara. Phần phía tây của thành phố được quy hoạch từ thời Soviet, và không khó để bắt gặp phong cách kiến trúc chịu ảnh hưởng từ châu Âu ở đây.
Từ bến xe bus ở Registan, mình phải khó nhọc kéo lê chiếc vali về khách sạn, và bắt đầu ngày mới bằng việc thăm thú khu vực trung tâm lịch sử dọc đường Registan. Điểm khởi đầu là ở Tượng đài Islom Karimov và kết thúc tại Tượng đài Amir Temur, kéo dài khoảng 2km.
Nằm ở vùng phía đông Uzbekistan, tại cùng một nhiệt độ bạn sẽ cảm thấy lạnh hơn bởi vì gió ở đây mang độ ẩm cao. Mảng xanh cũng nhiều hơn, theo sử sách thì những khu vườn ở Samarkand chính là biểu tượng của thiên đường và sự giàu có.
Bởi vì phải mua vé vào tham quan Registan (40.000 UZS) nên mình sẽ chỉ sử dụng nó vào buổi chiều để thăm thú mọi ngõ ngách lúc hoàng hôn. Có cảm giác không giống lắm khi ở Bukhara và Khiva mình có thể tham quan mọi trường Hồi giáo mà không mất phí.
Khi đi hết đường Registan để tới Tượng đài Amir Temur, bạn có thể rẽ trái và đến thăm Lăng Rukhobod cũng như khu phức hợp Gur-i Amir. Gur-i Amir - lăng mộ của Timur (Tamerlane) - có lẽ là địa điểm quan trọng thứ hai đối với du khách sau Registan.
Cùng với Lăng Rukhobod, Lăng Aksaray, Tượng đài Amir Temur và Công viên Amir Temur đã tạo nên khu quần thể nơi giao lộ Registan - Bustonsaroy. Những bức tượng hổ (Skul’ptura Tigrov) ở công viên chính là biểu tượng của nền văn hóa Ba Tư, trong khi đó báo gấm là biểu tượng của Samarkand.
Cuối cùng thì mình cũng bỏ tiền túi để mua vé vào Registan (Registon/Регистон). Một khi đã đi ra thì vé sẽ tự động hết hiệu lực, do vậy bạn nên đi vòng quanh tham quan nhiều nhất có thể.
Là một quảng trường công cộng, nơi đây bao gồm 3 trường Hồi giáo, Trường Hồi giáo Ulugh Bek, Trường Hồi giáo Tilla-Kari và Trường Hồi giáo Sherdor, trong đó Trường Hồi giáo Ulugh Bek là cổ nhất. Mỗi trường đều có những họa tiết trang trí trên tường đặc trưng, cũng như có sự khác biệt ở trên tháp và mái vòm. Cách dễ nhất để ghi nhớ chúng là, Trường Hồi giáo Ulugh Bek được xây dựng nên bởi nhà cai trị - nhà thiên văn sùng tín Ulugh Bek, với mô-típ hình học tạo nên những họa tiết trông như các chòm sao, Trường Hồi giáo Tilla-Kari ở trung tâm còn là một thánh đường lớn với mái vòm xanh tuyệt đẹp, và Trường Hồi giáo Sherdor thì có biểu tượng báo gấm Samarkand nơi chính diện.
Quảng trường là nơi tụ tập của người dân địa phương cũng như du khách, và là địa điểm chụp ảnh cưới. Các đoàn diễu hành đám cưới cũng sẽ tiến về phía Tượng đài Islom Karimov.
Nếu có một cô bạn gái lúc ấy thì đó sẽ là bức ảnh đáng nhớ nhất chụp ở trước Registan rồi.
Kiến trúc Samarkand thì trông có vẻ được trang trí cầu kỳ hơn ở Bukhara và Khiva. Ở những thành phố trước, các tòa nhà được xây lên bằng đất nung, các chi tiết trang trí cũng không được làm nổi bật. Ở Samarkand, bạn chỉ có thể thốt lên một từ ‘Wow!’ mỗi khi ngước lên nhìn những trần nhà mạ vàng. Đây cũng chính là cảm giác mình có được khi tới thăm Nhà thờ lớn Firenze, cái cảm giác bị mê hoặc bởi những viên gạch ốp, những bức tranh tỉ mỉ; những tòa nhà hiện đại thời nay của chúng ta trông to lớn và sáng loáng thật đấy, nhưng mất đi cái nét ‘người’ trong đó. Không chỉ là tuyệt tác nghệ thuật, những tòa nhà này cho ta thấy tình yêu đối với hình học của thế giới Hồi giáo.
Khi tản bộ quanh quảng trường, mình có dịp được làm quen với một nhóm bạn học sinh Samarkand đang tập nói chuyện bằng tiếng Anh với người nước ngoài. Mình có chụp chung với họ vài tấm, vài đứa trong số đó vẫn còn kết nối với mình trên mạng xã hội.
Một trong những điều tiếc nuối nhất là mình đã quên mang theo tripod để canh chụp vẻ đẹp của Registan khi màn đêm buông xuống. Tuy nhiên, dành thời gian ở đó vào một buổi tối chilling cũng không phải là sai lầm thứ hai đâu.
Giờ đây đã khá bội thực với những trường Hồi giáo và những ngọn tháp, mình quyết định đi bộ lên Afrosiyob, khu tàn tích của một vùng dân cư cổ đại ở Samarkand, giờ đã thành một gò đất cỏ. Nơi này nom như một hình tam giác cân, được xây dựng trên một ngọn đồi tự nhiên. Các phát hiện từ việc đào bới tìm kiếm cho thấy thành phố này có một quá khứ thịnh vượng từ trước cả thời bị Mông Cổ xâm lược hay thời đại Timur. Trên đường bạn cũng sẽ bắt gặp Lăng Bibi-Khanym - một kế hoạch đầy tham vọng của Timur nhưng giờ chỉ còn là phiên bản phục dựng, hay như nghĩa trang Shah-i-Zinda.
Đó quả là một hành trình tuyệt vời, để được hít vào thứ không khí mùa thu tinh khiết trên đường Tashkent - cạnh đông nam của Afrosiyob. Mình thậm chí còn gặp một người chăn cừu và đã hàn huyên với anh ta, khi xung quanh chẳng có tí ồn ào phiền não nào.
Đã tới cạnh trên ở phía đông bắc và mình có một tầm quan sát tuyệt đẹp về phía Sieb Aryk ở bên dưới, nhìn được toàn cảnh ngoại ô Samarkand. Những màu sắc lá thu trang hoàng cho bức ảnh thêm ngọt ngào.
Hãy chú ý là có vài hộ sinh sống trên đỉnh đồi, nên cố gắng đừng gây tiếng động bởi vì những con chó ở đó sẽ sủa bạn, còn để chạy xuống đồi thì cũng khá khó đấy.
Đã đến giờ trở về và gói ghém hành lý cho phần cuối của kỳ du lịch. Ngạc nhiên thay bệnh cảm của mình đã khỏi trước khi đến Tashkent ẩm ướt hơn.
Samarkand nổi tiếng với loại bánh mì hình tròn được nướng trong những bức tường đất, được gọi là Obi Non hay Tandyr Nan. Nó dĩ nhiên là rất ngon, đã thế còn trông rất bắt mắt với vỏ bánh vàng ươm bóng bẩy. Gần như ở mọi góc đường bạn có thể bắt gặp một hàng bánh mì, đây chính là một nét đặc trưng của thành phố này.
Vào buổi trưa khi mọi người nghỉ làm, Samarkand trở nên nhộn nhịp và vui tươi, không khác gì những thành phố tài chính hiện đại khác trên thế giới.
Mình nhớ hôm đó đã cố ăn trưa từ từ nhất có thể để quan sát chị chủ quán chăm sóc đứa con nghịch ngợm. Chúng ta cần những khoảnh khắc như thế để tự khiến chúng ta chậm lại trong cuộc hành trình, để có thể thấy những gì đang diễn ra bằng đôi mắt trần.
Và mình đã tận dụng khoảng thời gian còn lại để lặng ngắm những trang trí như trên thảm dệt ở Registan một lần nữa: như thể mỗi viên gạch mosaic là một động tác dệt hoàn hảo đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại theo trường phái tối đa này.
Bài viết này là một phần của series Uzbekistan.
Viết vào tháng 10 năm 2022 © Zuyet Awarmatik.Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.
Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.
“Miracle” bởi Madeon
Âm nhạc của Madeon vẫn luôn truyền cảm hứng cho các chuyến đi của mình, và cho giấc mơ dành một khoảng thời gian trong đời được sống tại một góc tận cùng nào đó trên thế giới.