Như người anh hùng lịch sử đã ngủ quên sau hàng chục thế kỷ, có lẽ một ngày nào đó các pháo đài này sẽ được mọi người biết đến nhiều hơn.
Ta đi bộ trên những tàn tích của hàng ngàn năm trước, biết rằng sỏi đá thì vĩnh cửu, còn những con người tạo tác ra chúng đã cách rất xa thời đại chúng ta.
Nếu không viết vào lúc này, có lẽ mọi thứ sẽ trở thành một dĩ vãng mờ ảo, mối liên hệ giữa người trong khoảnh khắc và chính khoảnh khắc đó sẽ chỉ còn là một áng mây dần tan.
Để viết về những chuyến đi đã qua từ khá lâu, trong trường hợp này là 4 năm, mình nghĩ đó là một thử thách không hề nhỏ. Vừa là thử thách nhưng cũng là sự phấn khích: bạn có cơ hội được khám phá lại những nơi bạn từng đến, như thể bạn chưa từng tới đó, bạn hiểu hơn về nó, bạn nhặt nhạnh từng chút vết tích cũ của bạn để cố mà nhớ, và bạn có dịp được xem lại chính những bức ảnh của bạn. Mình đôi khi còn không nghĩ đó chính là những gì bản thân đã từng chụp nữa.
Mình đặt một tour trong ngày của Responsible Travel có tài xế chở từ Khiva đến các pháo đài cổ (Elliq Qala - 50 pháo đài) thuộc khu vực Khorezm lịch sử. Ngày nay khu vực này nằm trong lãnh thổ của vùng Khorezm và nước Cộng hòa Karakalpakstan thuộc Uzbekistan.
Xe đi qua thủ phủ Urgench của vùng Khorezm (Xorazm / Хоразм) và tiến về cây cầu bắc qua sông Amu Darya. Quả là một khung cảnh tráng lệ chưa từng thấy gây kinh ngạc một người đến từ miền nhiệt đới như mình. Lúc hoàng hôn khi xe về Khiva mình sẽ trở lại cây cầu này, nên ở đây chỉ thả nhẹ một tấm hình thôi.
Khi đã tới đầu bên kia của cây cầu, bạn đã đặt chân lên vùng đất thuộc nước Cộng hòa tự trị Karakalpakstan.
Tên gọi Elliq Qala cho ta biết rằng có đến hơn 50 pháo đài cổ nằm rải rác khắp khu vực này, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng thủ chống lại các cuộc chinh phạt của người Hung Nô, Thổ hay Ả Rập, cũng như kiểm soát các tuyến đường giao thương. Tuy nhiên các pháo đài này đã không thể trụ vững trước sức mạnh càn quét của quân Mông, dần bị bỏ hoang và giờ trở thành những khu phế tích.
Mãi đến tận thời kỳ Soviet thì những pháo đài này mới được khai quật trở lại, và đến năm 2008 chúng đã được trình lên UNESCO để trở thành Di sản thế giới.
Pháo đài đầu tiên xe di chuyển đến là Toprak-Kala (pháo đài đất), nơi gần sát rìa của vùng đồng bằng trù phú quanh lưu vực sông Amu Darya (chính là ốc đảo Khorezm / Chorasmia) và ngay kề bên sa mạc Kyzylkum.
Không chỉ là một pháo đài, nó vốn là khu dinh thự cấu thành nên một đô thị rộng hơn, đó là lý do bạn thấy các ô phòng vuông vắn với các chức năng khác nhau.
Được xây dựng trong những thế kỷ đầu Công Nguyên và bị bỏ hoang từ thế kỷ VI, mãi đến năm 1938 một đoàn thám hiểm Soviet mới tiến hành khai quật di tích này. Trước đó, đối với người dân bản địa, nơi đây chỉ là một tàn tích không có gì đặc biệt.
Xe lại lên đường qua những cánh đồng bông vải và cỏ lau để tới Kyzyl-Kala (pháo đài đỏ) nằm cách đó không xa.
Trái ngược với Toprak-Kala bị phong hóa xói mòn sau khai quật do không có sự bảo tồn tốt, Kyzyl-Kala được khám phá muộn hơn vào những năm 1980 và trải qua một quá trình trùng tu tôn tạo, nếu nhìn từ bên ngoài thì phần đế pháo đài này trông hiện đại và có phần thô cứng hơn.
Đã vào buổi trưa mà trời vẫn xanh ngắt. Từ nơi đây mình có thể phóng tầm mắt ra xa qua các ô vọng gác, quan sát những mảnh đất tuy khô cằn nhưng tràn đầy sức sống. Mọc trên sa mạc chỉ toàn đá và cát này là những hàng cây đã ngả ánh vàng của mùa thu, một thứ phong cảnh kỳ lạ đến mê hoặc.
Xe sau đó chạy xuôi về phía nam băng qua hồ Akhchakol để về thành phố Bustan ăn trưa. Mọi thứ đều nhẹ nhàng, không gay gắt, khiến tâm hồn người du khách cảm thấy phơi phới.
Đây là dịp mà mình được thử vài món của vùng Karakalpak tuy có hơi khó ăn, ví dụ như món bánh bột có nước súp từ sữa chẳng hạn.
Lúc này đây khi bụng đã no thì hành trình lại tiếp tục. Những hàng cây ngả vàng thật sự làm mê hồn người, mỗi mét xe chạy qua ta đều khó cưỡng lại việc nhấn nút chụp hình lia lịa, cứ như một đứa trẻ thấy đồ chơi vậy.
Từ Bustan theo con đường về hướng đông bắc là đến Ayaz-Kala. Nơi này gồm 3 pháo đài thành phần, nằm bên trong sa mạc Kyzylkum. Ayaz-Kala được cho là di tích có niên đại cổ xưa nhất được xây từ trước Công Nguyên, và kỳ diệu thay những bức tường thành dày và cao vẫn còn tồn tại sừng sững cho đến ngày nay.
Bề mặt khu này chỉ toàn là cát, nhưng nơi đây hoàn toàn không phải là một hoang mạc chết khi ta có thể thấy những bụi cây sẵn sàng vươn mình trong những ngày mưa hiếm hoi. Ở đây ta hoàn toàn có thể cắm trại và sẽ rất lý tưởng cho việc ngắm sao vào ban đêm, với bầu trời cao, rộng, không bị che chắn.
Người hướng dẫn đưa mình trèo lên pháo đài Ayaz-Kala 1, từ nơi này mình có thể ngắm nhìn trọn vẹn Ayak-Kala 2 ở độ cao thấp hơn.
Sự thực rằng các pháo đài trên là những kỳ quan không được mấy du khách để ý, trong suốt hành trình mình chỉ thấy đôi ba người cùng có sự tò mò khám phá những nơi hoang vắng này. Nhưng đó cũng là một điều tốt, khi ta có cảm giác mình là vị khách quan trọng của lịch sử.
Mình xin với người hướng dẫn sẽ không tham quan tiếp pháo đài còn lại, thay vào đó mình có dịp được trải nghiệm cuộc sống của làng du mục gần Ayaz-Kala. Ở đây có các túp lều yurt mà có lẽ bạn sẽ nhận ra nếu từng xem qua những bộ phim về Thành Cát Tư Hãn.
Yurt được dựng lên hay tháo lắp rất nhanh chóng; trong lều rộng rãi, ấm cúng nhờ được lót bằng những tấm da động vật.
Ở nơi hoang vắng này, mình chẳng còn cảm giác vấn vương những ưu phiền hay những ganh đua thường nhật nữa. Thời gian như chậm lại nhiều phần, không còn những tiếng ồn từ xe cộ, những cuộc chơi hào nhoáng, những chửi bới om xòm.
Nhưng có một điều buồn cười, đó là chỉ khi ta sống trong những nơi xô bồ, ta mới có tiền để thực hiện chuyến đi tới những vùng hẻo lánh.
Xe lăn bánh trở lại Khiva cho kịp hoàng hôn. Tuy đã mệt nhoài nhưng cảnh vật bên đường dường như đang cổ vũ người hành khách xa lạ.
Mình nghĩ mình thích cảnh mùa thu ở xứ sở khô cằn này hơn là những nơi trù phú như Hàn hay Âu Mỹ, có lẽ vì những mảng màu được thể hiện rõ ràng, vừa đủ để khiến cho mắt mình không bị quá bội thực màu sắc.
Cung đường đi qua những khu dân cư nông thôn xây cùng một kiểu nhà đều tăm tắp và những cánh đồng đã qua vụ mùa thu hoạch.
Mình có nhắc với tài xế là sẽ nán lại hơi lâu một tí trên cây cầu bắc qua sông Amu Darya. Chẳng mấy khi trong đời ta có dịp tiếp xúc một trong những biểu tượng của văn minh loài người đến như vậy.
Tuy vậy, cảnh dòng sông nổi tiếng này lặng lờ trôi là một điều gì đó thực sự tạo nên niềm cảm xúc thi ca.
Và đây, món quà dành cho người đã nán lại chờ đợi, là ánh nắng ngọt ngào tỏa trên những rặng cây đã ngả vàng vào mùa thu, một tuyệt tác của thiên nhiên mà người chụp ảnh chẳng cần phải chỉnh sửa thêm nữa. Mình nhớ cứ chạy lăng xăng qua lại hai bên đường để không bỏ sót từng giây trôi qua ở nơi đây.
Đó cũng là kết thúc cho một hành trình ngắn mà vang vọng, góp phần tạo nên album Uzbekistan không thể nào quên này.
Bài viết này là một phần của series Uzbekistan.
Viết vào tháng 7 năm 2023 © Zuyet Awarmatik.Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.
Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.
“Falling Leaves Are Beautiful” bởi Heize
Vẻ đẹp của lá thu rơi chầm chậm, da diết như giai điệu trầm buồn của bài hát này. Đó là lúc ta dừng chân lại, nhớ về những ngày xưa cũ.