Một viên ngọc khuất nữa được tìm thấy sau chuyến đi này: cả thành phố là một bảo tàng rộng mở luôn chào đón du khách.
Chỉ cần ngước lên ngắm những trang trí ngả lục, bạn có thể nhận ra ngay đặc thù của kiến trúc Hàn Quốc.
Để bắt đầu viết về địa điểm nòng cốt của một chuyến du lịch như Gyeongju thật khó, cũng giống như hồi mình viết về Meteora hay Khiva. Sẽ cần rất nhiều công sức thu thập thông tin, chọn lựa hình ảnh và lục lại tâm trí để không rơi rớt bất kỳ điều quý giá nào trong suốt hành trình. Mình cá rằng phần lớn người đọc sẽ không biết Gyeongju (경주) ở đâu, bởi vì thành phố này bị làm lu mờ bởi những địa điểm nổi tiếng như Seoul hay Jeju, và mình tự hào khi đã tìm thêm được một viên ngọc quý để lưu vào bộ sưu tập.
Hôm đó mình dậy sớm check out khách sạn để bắt taxi tới Bến xe Busan Seobu ở Sasang, nơi hành khách có thể kết nối tới nhiều thành phố khác bằng bus liên tỉnh. Chuyến taxi mất gần nửa tiếng để đi hết đại lộ Bosu; làm một phép so sánh, xe bus đi Gyeongju chỉ mất 1 tiếng. Từ Sasang, tuyến đi Gyeongju xuất phát mỗi 40 phút, nên bạn cũng không cần lo lắng việc lỡ xe. Bạn cũng có thể khởi hành từ Bến xe Busan Dongbu ở Nopo nếu bạn ở gần trung tâm. Khi tới quầy vé, mình hơi ngạc nhiên khi thấy người bán vé phát âm tên thành phố là Kyungju (na ná Cằng-chu).
Còn một chút thời gian rảnh rỗi nên mình mua một gói bánh chuối chiên cho bữa sáng, yên vị ngồi ghế chờ và sẵn sàng cho những khung cảnh đồng quê và núi non Hàn Quốc sắp đến.
Bến xe bus Gyeongju nằm cách không xa trung tâm thông tin du lịch thành phố và đối diện sông Namcheon. Mình thuê một homestay kiểu Hàn ốc (hanok (한옥)) cũng gần gần ngay đó. Thực tình chỉ đến lúc này mình mới có thể thấy những hàng cây đã ngả vàng, cam và đỏ, thứ mình đã không được thấy suốt 3 năm rồi.
Mình có đôi chút khó khăn khi đi tìm cổng chính của homestay này, nhưng cuối cùng mọi thứ đã diễn ra suôn sẻ với sự chào đón và chỉ dẫn nhiệt tình từ cô chủ homestay, mặc dù cô ấy biết khá ít tiếng Anh. Mình đoán thành phố này nổi tiếng đối với người Hàn hơn, nên tiếng Anh không được sử dụng nhiều lắm.
Mình bắt đầu rảo bộ trên phố Geumseong, hướng theo phía nam về khu lăng mộ cổ trên phố Poseok. Đó là một ngày đẹp trời khi đi qua những con phố yên bình, xung quanh là những ngôi nhà với kiến trúc truyền thống, không có xe cộ ồn ào hay những tòa cao ốc hào nhoáng. Hãy ngước nhìn lên và bạn có thể thấy được cả khoảng trời xanh trong bát ngát trên đầu mình.
Điểm đáng chú ý là những ngôi nhà mới xây đều theo cùng một phong cách Hàn Quốc và không cố tỏ ra nổi bật giữa đám đông, khiến cho cả thành phố trông rất hài hòa.
Con đường sôi động nhất đối với du khách là phố Cheomseong kết nối Khu lăng mộ Daereungwon (대릉원) và Cheomseongdae (첨성대), hai địa điểm nổi bật của thành phố. Có điều, ngay khi mình vừa mới băng qua góc phố đầy màu sắc ở trước Daereungwon với những nhà hàng lớn và hướng về khu vườn quanh Cheomseongdae, con đường ngay lập tức trở thành địa điểm lý tưởng và đặc quyền dành cho những người thích lang thang - không quá đông nhưng lại rất dễ đi và xinh xắn.
Đã là giờ trưa và mình đang cố tìm một quán ăn để chiều cái bụng, nhưng giống như một người đi lạc bị thôi miên bởi tiên nữ rừng xanh, càng bước đi mình càng khám phá ra nhiều bất ngờ thú vị.
Không khó để thấy những gương mặt rạng rỡ vào một ngày đẹp trời như thế. Những cô gái trong bộ hanbok truyền thống, những gia đình, những đứa trẻ và thú cưng, phần lớn họ đều không nhận ra có một gã đi bộ lang thang ẩn dật đang thưởng thức những giây phút quý giá đối với hắn.
Ở cuối phố Cheomseong là phố Wonhwa chạy ngang Cung điện Donggung & Ao Wolji (동궁과 월지) và Cung điện Wolseong (월성). Từ khu vực này trở đi bạn đã ra khỏi vùng nội ô, khung cảnh chính giờ là những cánh đồng. Không có bóng dáng của bất cứ nhà hàng nào nên mình đi tiếp và tận hưởng cảnh lá vàng rơi cho đến khi chiếc bụng thực sự réo.
Minh không thể dừng việc nghỉ chân dọc đường để ngắm nghía những tia nắng mặt trời xuyên qua kẽ lá. Một điều tưởng chừng khá bình thường đối với người xứ ôn đới, nhưng là một kiệt tác với người miền nhiệt đới.
Những cánh đồng đang mùa lúa chín, ôm ấp khung cảnh trong một màu vàng ươm.
Mình dừng chân tại Bảo tàng Quốc gia Gyeongju để kiếm một chỗ nghỉ vắng vẻ, mua một vài que khoai tây lốc xoáy - hoeori gamja (회오리 감자) và thịt xiên - dak-kkochi (닭꼬치) để ăn tạm bữa trưa. Nghỉ ngơi là điều cần thiết trước khi tiếp tục hành trình vào buổi chiều.
Mình tự hỏi, ‘Lên trên đồi có gì vui?’, và khi lên tới nơi mình đã được tặng một phần thưởng tuyệt vời - một tầm view triệu đô.
Tại một băng ghế ngẫu nhiên giữa đường, bạn tìm thấy một báu vật chỉ dành cho bạn mà thôi.
Những bóng người lấp ló chuyển động trong rừng cây hiện lên trên ảnh thật đẹp.
Về phía tây Wolseong, ẩn trong những vườn hồng và lê đang trĩu quả là Nhà cổ Thế gia Choi - nhà tổ của gia tộc Choe nổi tiếng giàu có, một dòng họ với truyền thống hào hiệp lâu đời và những đóng góp cho quốc gia. Lúc tản bộ trong vườn, đầu óc mình cứ vang vang bài Vì Yêu Cứ Đâm Đầu - giai điệu của những mùa thu du lịch.
Chân mình băng qua ngôi làng cổ Gyeongju Gyochon nơi có tầm view đẹp đẽ hướng về phía cầu Woljeong, mình sẽ dành một khoảng thời gian chill chill tại đó vào giờ này ngày mai.
Tiếp tục theo hướng bắc dọc phố Gyochon, địa điểm chính của ngày thứ nhất chính là Khu lăng mộ Daereungwon (대릉원) nơi có Mộ của Vua Michu, vị vua đầu tiên của triều đại Kim ở Silla. Khu lăng mộ được bảo tồn kỹ lưỡng và là nơi hiếm hoi bạn phải mua vé vào cổng trong thành phố này.
Mặc dù trông có vẻ đông người đến vào hôm đó, mình cảm thấy khu lăng vẫn thật yên tĩnh dưới những tàn cây. Thậm chí toa-lét cũng được đặt một cách hài hoà giữa khung cảnh và bạn còn chẳng nhận ra nó nếu không nhìn biển hướng dẫn.
Bức tranh mùa thu sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu một cái ao thật trong, và kìa có ngay một cái nằm ở phía bắc Daereungwon, vừa vặn giữa những lùm cây, đá xếp và mái nhà.
Khi chúng ta nhắc đến con phố sôi động bậc nhất Gyeongju, câu trả lời nhất định sẽ là phố Poseok với những quán xá xinh đẹp. Những cửa hàng ở đây được trang trí phong cách Hàn - sơn lì pastel và chiếu đèn dịu nhẹ. Mình nghĩ người Hàn chắc hẳn là rất thích cà phê bởi vì cứ đi qua vài căn nhà là có một tiệm. Một số cửa hiệu có vẻ gây được sự chú ý hơn vì có hẳn cả hàng dài người chờ đợi vào trong để mua đồ.
Một lần nữa mình sẽ không khuyến khích kẻ lữ hành cô đơn ở đây quá lâu, vì đây là nơi lý tưởng cho những cặp đôi và nhóm bạn.
Bị hớp hồn bởi chân trời hoàng hôn, mình cứ đi mãi dọc phố Poseok rồi rẽ qua phố Geumseong và phố Gangbyeon cạnh bờ sông để khám phá vùng phụ cận Gyeongju, nơi bát ngát những cánh đồng vàng. Dòng sông vào mùa này đã cạn khô. Xung quanh mình là sự yên bình, khích lệ mình bước tiếp để về lại homestay dù đôi chân đã mỏi mệt sau một ngày dài.
Hai địa điểm quan trọng của ngày thứ hai là những ngôi chùa linh thiêng gần Vườn quốc gia Gyeongju, trên những ngọn núi phía đông thành phố. Ngôi chùa thứ nhất là Bulguksa (불국사), nơi có tới sáu bảo vật quốc gia Hàn Quốc với kiến trúc đại diện cho nghệ thuật Phật giáo Silla.
Đi tới Bulguksa khá là dễ dàng bởi vì có tuyến bus khởi hành thường xuyên từ trung tâm thành phố và dừng tại bãi xe mặt tiền khu đền. Bạn có thể nghỉ giải lao một lúc và chiêm ngưỡng khung cảnh đồng quê của đất nước hiện đại này trong 12km trên ghế xe bus đó.
Mình nói trước là những bức hình tiếp theo có chứa khá nhiều màu nổ mắt - màu của mùa thu đang rộ.
Khi tới nơi, bạn sẽ phải leo bộ một lúc mới đến chính điện. Khung cảnh được phủ kín bởi màu lá đỏ và vàng, trông góc nào cũng ăn ảnh hết.
Sau khi vào cổng, cảnh đẹp đầu tiên bắt gặp được là một cái ao trong lành, và sẽ còn nhiều nữa khi đi tiếp.
Để vào chính điện, bạn sẽ bước trên những cây cầu được xếp hạng bảo vật quốc gia Hàn Quốc. Tuy nhiên, ở bên trong khá đông người nên đây chưa phải lúc lý tưởng để bạn tìm đến tu thiền hay xa lánh trần tục.
Thật là những khoảnh khắc đáng giá khi đi dưới những hàng lồng đèn đong đầy ước mơ của lữ khách và suy nghĩ về sự vô thường của cuộc đời.
Điều ấn tượng nhất với mình là những họa tiết tinh xảo trên mái nhà (giwa), chúng là những điển hình của nghệ thuật trang trí Hàn Quốc - với sắc xanh ngọc lục bảo và điểm xuyết sắc cam - đặc điểm khiến những mái nhà này khác với mái kiểu Trung hay Nhật.
Đã đến lúc phải lên đường đến địa điểm tiếp theo - hang Phật Seokguram. Chỉ có một chuyến bus mỗi tiếng nên bạn cần lên lịch một cách vừa khít để đến được cả hai địa điểm. Đường ra cổng là đường xuống đồi và nó cho mình một cảm giác thật khác lạ so với lúc lên, quả là một con đường thư thái.
Việc đầu tiên - bạn cần đến đúng trạm dừng xe bus số 12 để tới hang Phật, và chuyến đi này sẽ mất khoảng nửa tiếng để lên đồi qua chặng đường 4km. Hang Phật Seokguram (석굴암) được liệt trong Danh sách di sản của UNESCO và cũng là một bảo vật quốc gia. Tượng Phật điêu khắc được dựng lên lần đầu tiên vào thế kỷ VIII và đã trải qua nhiều lần trùng tu, với mặt hướng ra biển Đông Hàn.
Bạn phải leo bộ để tới cổng chính điện, nhưng tin mình đi, chuyến cuốc bộ lần này cũng tuyệt không kém khi bạn sẽ được hòa mình giữa thiên nhiên.
Mình nghĩ nơi này lên hình đẹp hơn Bulguksa mặc dù có ít du khách hơn. Du khách tới đây không chỉ là để tham quan mà cũng có thể là hành hương nữa.
Vào mùa này, lá phong đang diện tấm áo lộng lẫy nhất trong bữa tiệc, nên chớ quên dừng lại một chút để thưởng thức chúng với đôi mắt trần.
Trời đã quang và mình lại lên đường để về trung tâm thành phố, bầu trời báo hiệu những thời khắc đẹp đẽ sắp tới cho việc chụp hình.
Xe bus đưa mình về con phố Wonhwa quen thuộc để mình ghé tại trạm Bảo tàng Quốc gia Gyeongju. Bảo tàng có chứa một số lượng lớn hiện vật từ thời kỳ Silla, và theo kinh nghiệm bản thân, việc trưng bày sắp xếp ở đây đạt đến độ hoàn mỹ khiến cho du khách như đắm chìm trong dòng chảy lịch sử của một thời kỳ huy hoàng. Những gì mà mọi người được thấy chỉ là phần nổi của một số lượng đồ sộ những di vật khảo cổ; tất cả chứng minh cho tay nghề thành thạo của các nghệ nhân thời bấy giờ, cũng như sự ưa thích của con người thời đó đối với những món trang trí lộng lẫy - đặc biệt là những đồ vật làm từ vàng.
Khi đặt chân ra khỏi bảo tàng, mình đã sẵn sàng bật chế độ săn ảnh.
Thật là một thời điểm hoàn hảo để đi bộ về phía tây theo hướng hoàng hôn. Từ bảo tàng mình cứ lang thang trên phố Iljeong khi con phố này chẳng còn một bóng người.
Mình đã lên kế hoạch chờ hoàng hôn trong 2 tiếng, và mình đều hài lòng vì từng quyết định như thế.
Cầu Woljeong (월정교) có từ giai đoạn Silla thống nhất nhưng bị phóng hoả vào triều đại Joseon. Phiên bản phục dựng được hoàn thành vào năm 2018, hài hoà với cảnh vật xung quanh. Có những bậc đá dẫn qua sông, bạn có thể an tâm mà bước qua và thậm chí còn được những góc chụp ảnh độc lạ.
Đi chậm rãi qua hàng cột trụ trong tòa lầu trên cầu hay lặng ngắm vẻ đẹp huy hoàng của ánh tà dương, bạn đều có thể thưởng thức từng khoảng khắc theo nhịp điệu tùy ý bạn.
Lần này mình tập trung vào series ảnh phố đêm mô tả một khía cạnh khác của thành phố: chiếc vibe hiện đại thoát ra khỏi concept bảo tàng mở đã đóng khung. Những con đường giờ đã thưa người, nhưng ánh đèn ấm từ những cửa hiệu xinh xắn làm dịu đi màn đêm đen.
Bữa tiệc nào cũng tàn, và đây là một cuộc tàn canh hạnh phúc. Mình chỉ nghĩ tới việc lang thang để thấy những cảnh đẹp nơi này lần cuối, nhưng té ra đó lại là một buổi sáng rạng rỡ khó phai nhòa.
Mỗi giây trôi qua đều là một khoảnh khắc quý giá mà bạn không thể để nó dễ dàng trượt qua tầm tay được.
Nên là, chỉ cần đứng cảm kích cái vẻ đẹp của ánh dương xuyên qua kẽ lá mà thôi.
Những đồi mộ cổ xuất hiện trong lễ phục đẹp nhất, khoe những đường nét hình cung thật bắt mắt.
Ngạc nhiên nối tiếp ngạc nhiên, mình đi trên một cung đường khác hướng về Cheomseongdae và có hẳn một đồng cỏ hồng vô tận đang chào đón mình.
Và lần cuối dạo quanh qua cầu Woljeong và những lăng mộ bên phố Poseok, tất cả đều là những món siêu tráng miệng để xong xuôi một bữa tiệc mùa thu hoàn hảo.
Khi mình vội tới bến xe để về Busan, mình biết rằng mình đã mang cả một vali kỷ niệm to đầy khó phai.
Bài viết này là một phần của series Hàn Quốc.
Viết vào tháng 5 năm 2023 © Zuyet Awarmatik.Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.
Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.
“Bad Boy, Sad Girl” bởi Seulgi × Be'O
Có lẽ không gì siêu thực bằng việc nằm dài trên sàn nhà gỗ kiểu Hàn và rồi mở to volume một bản K-Pop.