Được tận hưởng những gì đẹp nhất của một miền biển nhiệt đới mà chẳng cần bon chen, thì còn gì bằng?
Những ngọn đá vươn cao mình trên sóng biển bình minh, vừa dịu dàng duyên dáng lại vừa mạnh mẽ hiên ngang.
Mình đến Quy Nhơn vào một ngày đầu hè tháng 5, với chiếc vai gáy ê ẩm. Những tưởng chuyến đi sẽ hơi khó khăn uể oải một tí, nhưng nói một cách đương thời thì chuyến đi có tác dụng ‘chữa lành’ cơn đau nhức này. Mình vốn không thích dùng từ này lắm nên mình đã để trong dấu nháy.
Quy Nhơn vào tháng 5 thời tiết rất là đẹp nhé, không phải kiểu mùa hè gắt gỏng, nắng vẫn chan hòa cho những người đam mê biển cả, còn gió thì mát mẻ lồng lộng, không có gì để chê.
Mình rất bất ngờ với sự niềm nở của anh chủ khách sạn, một căn phòng rộng rãi được bài trí nhẹ nhàng và dư thừa tiện nghi đối với một người solo, cùng một tầm view về núi Bà Hỏa ngay giữa lòng thành phố.
Sau khi sắp xếp xong xuôi thì mình lên chiếc xe máy thuê từ chính khách sạn để thẳng tiến hướng bắc. Trong đầu mình suy nghĩ nên bắt hoàng hôn ở nơi nào, phải xếp thời gian như thế nào cho mấy tiếng chiều ngắn ngủi của ngày đầu tiên. Kết cục là, mình sẽ tới Nhơn Lý trước, sau đó sẽ trở về dọc theo con đường men đầm Thị Nại lúc hoàng hôn.
Đường về Nhơn Lý thênh thang dọc theo quốc lộ 19, đi qua cầu Thị Nại vượt biển dài 2,5km, rồi cứ theo đường tỉnh DT639 hay quốc lộ 19B là tới nơi. Quãng đường tầm 22km này, nếu ở trên thành phố chắc mình mất 3 tiếng mới lết qua được, còn ở đây chỉ mất tầm 30 phút thôi nếu đã quen đường.
Tất nhiên là với người mới đến lần đầu, lạ nước lạ cái, mình sẽ phải phân vân trước mỗi cái bùng binh, và rón rén trong cơn gió biển lồng lộng trên cầu Thị Nại chỉ muốn thổi bay cái xe xuống. Đôi khi mình sẽ dừng lại và thưởng thức bịch đậu xanh sương sáo mới mua lúc khởi hành.
Bằng một cách nào đó mình lạc vào Eo Gió trước, thắng cảnh nổi tiếng với những mũi đá nhô ra biển, nơi sóng trắng xóa đánh vào mỗi phút mỗi giây. Vì địa điểm này khá nổi tiếng nên bạn khó có thể chen chân tìm một điểm nhìn thông thoáng được.
Nán lại nơi đây một lát thì mình quyết định lên xe để đi dọc đầm Thị Nại theo đường tỉnh DT639, đây là một quyết định sáng suốt vì mình có thể phóng tầm mắt về phía tây nơi hoàng hôn hạ, lạc vào những nẻo đường thôn quê và đến những ngóc ngách tận cùng nhất, đi qua những con đường phơi đầy lá, rôm rả tiếng nói cười.
Thực ra nói đúng sẽ phải là hoàng hôn ngày đầu tiên, vì ngày thứ hai mình cũng sẽ trở lại đầm, nhưng ở một phía khác với một phong cảnh khác.
Những người nông dân chăn nuôi thủy hải sản ven đầm chân chất, thấy người lạ mang chiếc máy ảnh to thì cũng sẵn sàng làm dáng cho mình chụp.
Một điều kiện thời tiết quá thuận lợi cho cảnh hoàng hôn rực rỡ, thứ hoàng hôn tím tỏa trên những đầm đìa nuôi tôm, xa xa in bóng những ngọn núi thoai thoải.
Nhưng điều tuyệt vời nhất, chính là món quà của mặt trời khi mình trở lại thành phố theo hướng chính tây trên cầu Thị Nại, mình không thể không dừng chân sau mỗi vài trăm mét để ngắm nhìn. Những người khác đi trên đường họ cứ mải miết phóng bon bon, có lẽ vì phong cảnh này quá thường nhật với họ. Ở cái chốn nhà cao như đô thị Sài Gòn, bạn hoàn toàn không có những khoảnh khắc như thế này.
Vượt qua những chiếc cầu liên tiếp bắc qua sông Hà Thanh là đã về tới thành phố rồi, lần này mình sẽ thử món bún rạm được anh chủ khách sạn giới thiệu hết mực.
Vào buổi sáng thứ hai mình định dậy thật sớm để đón bình minh trên những cung đường dọc biển, kế hoạch tưởng chừng thành công khi mình đã thức trước gà gáy, nhưng… đổ bể vì anh người làm tại khách sạn ngủ quá say nên mình không đánh thức được để mở cửa.
Không sao, vì ngồi từ phòng trông ra phía bình minh tím ngoài cửa sổ, rồi nhâm nhi món mì ly sớm cũng thú vị lắm.
Trời đã sáng rõ và mình có thể phóng xe máy trên con đường thênh thang về hướng nam, theo đường Mộng Cầm và quốc lộ 1D có đôi phần quanh co, nơi ánh mặt trời ban mai len qua những tàn lá xanh mướt ở triền núi.
Chuyến đi này không khác gì một chuyến đi lạc vô định, cứ thấy nơi nào cảnh đẹp thì mình ghé chơi. Mình biết có một bãi biển Quy Hòa khá nổi tiếng, nơi Hàn Mặc Tử trải qua những năm tháng cuối đời của ông ở trại phong, nhưng mình không ngờ tới thời điểm này Quy Hòa vẫn là một khu vực khá biệt lập, vắng hoe người, chỉ có những hộ gia đình bệnh nhân phong quây quần tại đây, chứ không phải là địa điểm dân du lịch hay lui tới.
Để vào trại phong bạn sẽ phải lách qua một cánh cổng bé bé cạnh nghĩa trang, với một chút phí giữ xe nho nhỏ. Sau đó toàn bộ con đường mênh mang còn mỗi mình mình, dong xe từ từ dọc bờ biển đầy phi lao, qua những căn nhà nhuốm màu thời gian, nhà nguyện và tượng thánh giá cổ.
Khác hẳn so với những sườn núi bị cạo trắng để nhường chỗ cho những resort tân thời, nơi đây rợp bóng mát từ những ngọn cây non nửa thế kỷ, một nơi thực sự giúp tâm hồn ta thư giãn, trốn khỏi sự đời đôi ba tiếng. Cư dân ở đây cũng là bệnh nhân, nên bạn hãy giữ phép lịch sự cần thiết, giữ yên lặng và tỏ ra nhã nhặn với mọi người.
Tuy nhỏ nhưng đó thực sự là một mê cung. Mình khuyên nếu bạn yếu bóng vía thì không nên đi lúc trời tối, vì nơi đây có những nghĩa trang khá lớn, và chỉ có một đường ra vào (Google Maps gần như bất lực khi đã chỉ mình sai đường ra).
Ngược lại về Quy Nhơn mình thử ghé vào bãi tắm Hoàng Hậu, cũng chỉ mất vài đồng gửi xe; ở đây có một tầm quan sát lý tưởng về phía trung tâm Quy Nhơn, nơi có biển xanh sóng vỗ vào những bãi đá.
Mình nghĩ nơi này sẽ rất lý tưởng để ngắm bình minh, nhưng khi mình hỏi chú bảo vệ thì họ bảo chỉ mở cửa từ 6 giờ sáng thôi, trong khi đó bình minh mùa hè ở đây 5 giờ sáng là đã ló rạng rồi.
Về mạn bắc trung tâm Quy Nhơn trên đường Trần Hưng Đạo sẽ có Tháp Đôi Quy Nhơn - tòa tháp cổ kính lưu lại những đường nét xưa cũ của quốc gia Chăm Pa.
Lúc này trời đã nắng chang chang, mình định nhanh nhanh đi tìm một quán bên đường và làm ngay một ly đậu xanh sương sáo, rồi về ăn bữa trưa để tránh cái nắng này.
Đây chắc hẳn là phần nổi bật nhất của chuyến đi, vì nó mang tính bộc phát, ngẫu nhiên nhưng có cái vẻ đẹp mà chỉ khi đi trên những con đường ngoài dự định, bạn mới có thể thấy. Lần này cũng vẫn là đầm Thị Nại lúc cuối chiều, nhưng mình sẽ theo hướng tây qua những ngôi làng ở Phước Thuận để tới nơi.
Tại vị trí bùng binh lớn đầu cầu Thị Nại, thay vì lên cầu thì ta tiếp tục chạy dọc quốc lộ 19 hướng ngược lại, băng qua những khu nhà liền kề ngăn nắp nhưng thưa người để tới vùng đồng quê Bình Định. Khi đã qua sông Hà Thanh, bạn rẽ phải vào một con lộ nhỏ để tới Phước Thuận, rồi một lần rẽ phải nữa và đi miết để nhìn thấy đầm nước ở phía chân trời.
Mình bị hớp hồn bởi cảnh làng mạc, những ruộng lúa người ta vừa gieo mạ, và những đàn vịt xuất hiện đầy bất ngờ.
Bạn sẽ biết mình đang đi đúng hướng khi phía trước mặt là những ngọn núi phía Nhơn Lý, và trên mặt nước đầm yên bình là những con thuyền lặng lờ trôi.
Mình cứ đi mãi dọc theo con đường hẹp, hai bên đường là mênh mông những ‘cánh đồng nước’, đôi khi cứ ngỡ là con đường cụt nhưng đó lại là một con đường vô tận. Mình quyết định dừng tại một khúc cua, tại đây nhìn ra xa phía đầm chính là Cồn Chim, nơi thấp thoáng bóng trắng của những cánh chim chao lượn trên rừng cây ngập nước.
Tại đây mình cũng không biết sẽ làm gì tiếp nên tạm nghỉ để gọi món nước mía giải khát. Nhưng mình nhận ra chỗ này chính là một bến tàu khá sôi động đưa đón người đi thăm Cồn Chim. Đã 4 giờ chiều, nên việc quyết định làm gì tiếp vào giờ này rất quan trọng để không bỏ lỡ cái nắng hoàng hôn vàng ngọt sắp đến.
Như một định mệnh may mắn, mình được một cô lái đò tốt bụng bảo nán lại chờ lên thuyền để được lướt trên sóng nước mênh mông của Thị Nại, cùng với đám trẻ địa phương ở Cồn Chim. Việc lên thuyền có phần bỡ ngỡ với một người thành phố, nhưng phần còn lại là một câu chuyện đáng nhớ. Vì không phải ngày triều cao nên mình sẽ chỉ được đi một vòng mà không được tới thẳng Cồn Chim hôm nay, dù sao đó cũng không phải là một tiếc nuối quá lớn.
Ngồi nghe tụi trẻ hàn huyên trên boong giữa những đợt bọt sóng ùa vào mặt, nắng lung linh phủ chiếu tấm lưng người ngư dân lẻ loi giữa làn nước mênh mông, điều gì có thể so bằng một trải nghiệm với chỉ vài chục ngàn như thế?
Mình canh đúng 5 giờ chiều để xuất phát trở lại thành phố, vừa kịp cho mặt trời lặn đúng hướng tây về phía bên phải mình.
Thử rẽ vào một con lộ không tên, những cánh đồng đang mùa gieo mạ hiện lên trong nắng, với những người nông dân hiện lên như tạc tượng thật kỳ khôi.
Mình lại băng qua những cây cầy thủy lợi, và cảm xúc như vỡ òa khi bắt gặp một con thuyền chài lưới di chuyển từ tốn, chậm rãi hòa cùng nhịp điệu của hoàng hôn. Với những người địa phương, họ cũng không mấy để tâm, nhưng với một người thành phố, đó là một khoảnh khắc đỉnh cao. Tại sao không nán lại thật lâu để chiêm ngưỡng điều đó?
Trở lại Phước Thuận và dòng xe cộ ngày một náo nhiệt hơn khi càng về gần tới quốc lộ, vầng mặt trời cam hồng treo lơ lửng trên những hàng cột điện cao thế, trên tháp chuông nhà thờ của vùng nông thôn này.
Để kết phần này, mình sẽ chọn tấm hình khi băng qua sông Hà Thanh vừa đúng lúc mặt trời khuất bóng.
Ngày cuối cùng mình nhất định sẽ đi đón bình minh, và đã thành công khi gọi dậy được anh nhân viên để mở cửa lúc 4 giờ sáng.
Đó là chặng đường một mình phiêu lưu nhất xưa giờ, băng qua Thị Nại lộng gió và những con đường mới mở còn chưa được trải nhựa giữa miền cát trắng Nhơn Hội, dưới ánh đèn tù mù cùng không một bóng người trên đường lúc đó.
Nhưng những nỗ lực xuất thần sẽ được đổi lại bằng món quà quý giá không phải ai cũng nhận được.
Nhơn Hải nằm về hướng ngược lại với Nhơn Lý, bãi biển ở đây cũng không quá xuất sắc, nhưng yên bình. Người dân ở đây đã dậy tập thể dục dọc bờ biển trước cả lúc mình đến.
Không khí nói cười vui vẻ, sống động. Thời tiết hoàn hảo cho một bình minh chuyển màu đẹp đẽ.
Đi về phía bắc ngôi làng chài bạn sẽ bắt gặp Gành đá Hòn Khô, một tuyệt tác giữa bình minh không thể bỏ lỡ. Khi mặt trời lên lúc 7 giờ, những hình khối sắc nét của mũi đá là một chủ thể hoàn hảo của thể loại hình phong cảnh, làm ảnh nền máy tính cũng được nữa.
Lúc trở về thì con đường trở nên đơn giản hơn rất nhiều khi không còn bóng tối. Đã vậy mình còn được bắt gặp vịnh Phương Mai nước trong như gương, phản chiếu những ngọn núi đang soi bóng xuống mặt vịnh.
Lần này mình ghé lại Nhơn Lý, nhưng không phải khúc hôm trước, mà là làng chài nổi tiếng với những bức tường sơn xanh đồng nhất điểm tô bằng những tán hoa giấy trắng và hồng.
Những ngôi nhà cũ phía mặt biển lúc này đang bị tháo dỡ, có lẽ không chống chọi được trước vòng xoáy du lịch hóa. Còn lại đâu đó những bức tường xám cũ bao quanh những con hẻm vắng bóng người, mà có lẽ sau này sẽ được thay bằng những tòa nhà mới mẻ hơn.
Trong lúc đang ngắm những con thuyền đánh cá neo đậu dập dềnh trên biển, đám con nít nhờ mình tháo gỡ hai chiếc xe đạp đang rối vào nhau của tụi nó. Coi như cũng là một điều đáng nhớ cuối cùng ở chốn này. Giờ thì ta có thể về lại với thành phố, thưởng món bún chả cá và kem bơ được rồi.
Bài viết này là một phần của series Việt Nam.
Viết vào tháng 9 năm 2023 © Zuyet Awarmatik.Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.
Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.
“Mưa Tháng Sáu” bởi Văn Mai Hương × Grey D × Trung Quân
Mình ghét mùa hè, những cơn mưa triền miên, những trận nắng đổ lửa, và nó cũng như mùa chia tay, chẳng bù cho những ngày ngày cuối năm lạnh mà đẹp đẽ.