Addis Ababa, Tháng 11, 2023

Ethiopia

Ta đang lạc trong một đô thị trẻ trung nhưng có một lịch sử nhiều biến động, một đất nước có bề dày văn hóa, cái nôi của loài người ở vùng Sừng châu Phi này.

Một người cầu nguyện ngoài Nhà thờ Holy Trinity

Ta không chắc đời sống vật chất của họ có khá giả không, nhưng ắt hẳn họ có một đời sống tâm linh phong phú, là bệ đỡ của họ trong cuộc sống này.

Vào những ngày này của tháng 3 năm 2019, trang web này ra đời; 5 năm sau, nó đã trải qua một chặng đường khá dài, lưu trữ một lượng lớn thông tin mà chính mình cũng không thể nhớ hết. Tuy vậy, tâm thế của người du lịch lúc này có lẽ đã khác xưa, vì mình có thêm nhiều ‘đứa con tinh thần’ khác để tay xách nách mang. Phác lộ trình, chuẩn bị hành lý, lên đường, chỉnh ảnh, viết lách, lặp lại, đó là một quá trình kỳ công chứ không còn đơn thuần là một chuyến đi nữa. Toàn bộ quá trình đó cũng giống như một món quà handmade trong thời đại AI này vậy.

Chuyến bay từ Saigon-TPHCM khởi hành đi Addis Ababa có ghé qua Changi, Singapore, và trong mấy giờ transit ngắn ngủi thì biết bao nhiêu kỷ niệm ùa về khi mình gặp lại những điều thân quen như là bạn cũ: đó là sân bay mình sẽ dậy sớm từ 4 giờ sáng để lên taxi tới, ngồi chill ở các hành lang chờ được lót thảm êm mịn, đi lướt nhanh qua các bảng hiệu chỉ dẫn màu vàng trên đầu travelator, à còn là những cây thông Noel sớm vì Singapore đã trang trí chúng từ tháng 10. Mình nhớ về một ngày tháng 3 năm 2020, khi COVID ngấp nghé hoành hành, những poster quảng cáo về Ethiopian Airlines dán trước ga chờ MRT mời gọi du khách trong vô vọng, và gần 4 năm sau, ‘Uớc mơ Châu Phi’ mới được thực hiện.

Hạ cánh tại sân bay Bole
Hạ cánh tại sân bay Bole

Chuyến bay dài nhưng vắng khách, và mình có nguyên một băng ghế để nằm, nhìn ngắm nội thất toàn một màu xanh lá. Và rồi thì máy bay cũng đáp ở Bole vào một sáng mùa thu tháng 11, sau một đêm dài. Ethiopian Airlines là hãng hàng không chính của châu Phi nên khu vực nhập cảnh sẽ vắng và thông suốt, trái ngược với khu vực transit rất tấp nập đông đúc người. Đổi tiền, mua SIM, và hành trình bắt đầu.

Sau vài giờ đầu có phần trắc trở loạng quạng trong việc tránh những taxi hét giá hay là phàn nàn với quầy lễ tân không biết tiếng Anh, cuối cùng thì mình cũng check in và sửa soạn xong. Thời tiết trên cao nguyên Ethiopia lạnh mát nên mọi mệt mỏi dần tan biến.

Thoáng qua phố phường
Thoáng qua phố phường
Tấp nập và hiện đại Tấp nập và hiện đại

Việc đầu tiên là chạy taxi ra trung tâm để làm xong thủ tục với bên land tour cho chuyến đi Danakil, rồi sau đó mình sẽ đi bộ thăm thú thành phố này. Thật là một quyết định đúng đắn khi sử dụng app Ride ngay từ đầu để gọi chuyến (mặc dù tài xế cũng ù ù cạc cạc), vì giá sẽ rẻ hơn hẳn so với taxi thông thường chèo kéo hét giá khắp mọi nơi.

Khi đang đi bộ thì mình được một anh chàng tự nhận đến từ vùng Tigray vừa nội chiến làm hướng dẫn du lịch free (mặc dù cũng không free lắm, và nếu đi lâu sẽ khá phiền). Ở Addis Ababa, nếu bạn trông không giống người châu Phi và đi một mình, bạn sẽ bị mời gọi liên tục. Khách du lịch không xuất hiện nhiều trên phố nên bạn sẽ dễ bị nhận ra, và nếu là người châu Á, bạn sẽ được gọi là ‘China’.

Những nhà thờ ở Addis Ababa

Nhà thờ Thánh Estifanos

Người thanh niên hướng dẫn mình đến Nhà thờ Thánh Estifanos sau khi lang thang dọc hết đại lộ Menelik II - con đường trục chính ở trung tâm thủ đô, gần Quảng trường Meskel. Như những nhà thờ khác ở nơi này, một khi bước vào khuôn viên thì mọi sự ồn ào bỗng nhiên biến mất. Nhà thờ này không phải là một nơi quá nổi tiếng, nhưng nó cho mình cái cảm nhận đầu tiên về xứ sở: một đất nước với những người dân sùng đạo, nghiêm túc trong việc cầu nguyện mỗi sáng, và những người phụ nữ vấn trên đầu dải netela (ነጠላ) trắng khi đi lễ.

Tại Nhà thờ Thánh Estifanos Tại Nhà thờ Thánh Estifanos Tại Nhà thờ Thánh Estifanos Tại Nhà thờ Thánh Estifanos Tại Nhà thờ Thánh Estifanos Tại Nhà thờ Thánh Estifanos
Tại Nhà thờ Thánh Estifanos

Cửa hàng bán đồ lưu niệm sau lưng nhà thờ

Cửa hàng bán đồ lưu niệm sau lưng nhà thờ

Người đi lễ

Người đi lễ

Nhà thờ Beata

Lối vào Nhà thờ Beata
Lối vào Nhà thờ Beata

Mình lại lên ngược con dốc để đến Nhà thờ Beata Maryam (Ta’eka Negest Be’ata Lemariam). Vì đây là nhà thờ ngay sát các tòa nhà chính quyền nên khi đi dọc lối vào, bạn không được giơ máy lên chụp ảnh, mà chỉ được chụp lúc đã vào bên trong thôi.

Bên trong Nhà thờ Beata Bên trong Nhà thờ Beata

Đó là một không khí vô cùng đặc trưng, đầy tôn nghiêm, đầy huyền bí, với làn khói hương ngập cung thánh, những con người râm ran cầu nguyện, và những âm thanh nghi lễ truyền thống dọc hành lang.

Khói hương đóng vai trò quan trọng trong nghi lễ của Chính thống giáo Ethiopia, khiến cho những người đi lễ có cảm giác được tiến gần hơn với thiên đường và các thánh thần.

Khói hương ngập tràn

Khói hương ngập tràn

Trần cao nhà thờ

Trần cao nhà thờ

Tầng hầm Nhà thờ Beata là nơi đặt mộ của Hoàng đế Menelik II với vợ là Hoàng hậu Taitu, cùng con gái là Hoàng hậu Zewditu và con gái của Hoàng đế Haile Selassie, Tsehai Haile Selassie. Nếu bạn sơ không gian hẹp, âm u thì xuống đây không phải là một ý hay.

Hầm mộ nhà thờ
Hầm mộ nhà thờ

Người hướng dẫn đưa mình đi qua những ngóc ngách của hầm mộ, rồi lại lách qua những hành lang hẹp, nơi các vị chức sắc đang cử hành nghi lễ trong những lời khấn đồng thanh, tiếng trống kebero (ከበሮ), tiếng lắc tay, mà không hề bị phân tâm bởi gã du khách châu Á lẻ loi này.

Nghi lễ tôn giáo

Nhà thờ Holy Trinity

Nhà thờ có vị trí cao nhất trong các nhà thờ Chính thống giáo Tewahedo ở Addis Ababa và cũng là nhà thờ nổi tiếng nhất thủ đô này, Nhà thờ Holy Trinity (Kidist Selassie), được xây dựng vào năm 1942 sau khi Ethiopia đánh bại quân Phát xít Ý xâm lược. Thời điểm mình đến thì nhà thờ đang trong quá trình trùng tu.

Nhà thờ Holy Trinity
Nhà thờ Holy Trinity

Đó là một buổi sáng tinh mơ vào ngày thứ hai mình ở Ethiopia, cùng lúc với giờ học sinh đến trường. Cảm giác được đi lại một mình thoải mái, tự tại mà không bị ai làm phiền là cảm giác tuyệt vời nhất của một người du lịch solo. Có một điều là mình bắt xe Ride tới nhưng tài xế lại không biết đường, nên đành thả mình ở lối hẻm sau nhà thờ, ngay gần trạm gác của quân đội. Khi gặp binh lính, bạn hãy nở một nụ cười và trả lời thành thật rằng mình đang đi tìm nhà thờ với ý định du lịch, và họ sẽ chỉ đường cho bạn mà không gây chút phiền toái nào.

Một buổi sáng nắng đẹp Một buổi sáng nắng đẹp
Một buổi sáng nắng đẹp
Một buổi sáng nắng đẹp

Và cũng là lúc ta có thể gặt hái được rất nhiều khoảnh khắc có một không hai, tất nhiên, bạn cần tránh chụp ảnh một cách lố lăng. Khu vực đường dẫn vào cổng chính nhà thờ, vì gần các tòa nhà chính quyền, là nơi bạn không được giơ máy lên, và người dân sẽ nhắc nhở bạn ngay lúc đó.

Cầu nguyện
Cầu nguyện Cầu nguyện
Cầu nguyện

Ta có thể giàu có hơn về mặt vật chất, nhưng về mặt tinh thần, những người ngoại đạo như mình sẽ không thể tưởng tượng được sự giàu có của họ.

Khuôn viên Nhà thờ Holy Trinity Khuôn viên Nhà thờ Holy Trinity Khuôn viên Nhà thờ Holy Trinity Khuôn viên Nhà thờ Holy Trinity

Có 3 kiểu xây dựng nhà thờ ở Ethiopia, một là kiểu hiện đại, với những bức tường bề thế vuông vắn như bạn đã thấy, hai là kiểu nhà thờ được đẽo hẳn vào đá núi như ở Lalibela, và ba là kiểu nhà thờ bát giác nhiều màu sắc. Khi đi ra khỏi khuôn viên Nhà thờ Holy Trinity theo lối phía sau, mình bắt gặp một nhà thờ bát giác có tên là Holy Beale Wold. Ethiopia đang trong mùa hoa phượng tím nở rộ, và lấp ló dưới tán cây là nhà thờ này, nơi người dân đứng cầu nguyện khắp phía các bức tường.

Nhà thờ bát giác Nhà thờ bát giác
Nhà thờ bát giác
Nhà thờ bát giác
Mùa phượng tím ở Addis Ababa

Nhịp sống Addis Ababa

Sau khi rời Nhà thờ Beata, mình có một bữa trưa đầu tiên đúng chuẩn Ethiopia, với bánh injera (እንጀራ) làm từ bột teff (ጤፍ) ăn kèm với các loại rau, thịt đủ màu, đủ vị. Vị injera khá chua và các món ăn kèm có nhiều gia vị (giống Ấn), nên tốt hơn là bạn gọi nước uống kèm. Ẩm thực Ethiopia sử dụng hành khá nhiều, và hỗn hợp gia vị berbere (በርበሬ) là một nguyên liệu đặc trưng.

Bữa trưa đầu tiên, với đĩa chay và đĩa mặn Bữa trưa đầu tiên, với đĩa chay và đĩa mặn
Bữa trưa đầu tiên, với đĩa chay và đĩa mặn

Sau khi ăn trưa là chút phút ngồi nghỉ ngơi bên quầy cà phê kiểu địa phương. Quan sát quy trình pha chế cà phê của người Ethiopia - cội nguồn của loài cây này, là một trải nghiệm thích mắt. Được gọi là buna tetu, quy trình này cũng giống như một nghi lễ trà đạo: cà phê được rang trên lửa hở, được giã nhuyễn bằng chày cối rồi cho vào ấm đất sét cổ dài (jebena (ጀበና)) đặc trưng với nước sôi đun trong vòng vài phút, sau đó được rót vào các tách nhỏ, uống kèm lá tena adam, và bạn có thể thêm đường tùy ý. Khi uống không đường, cà phê Arabica của Ethiopia sẽ có vị khá chua và phảng phất note trái cây.

Cô gái đang chuẩn bị cà phê

Cô gái đang chuẩn bị cà phê

Đổ vào bình cổ dài

Đổ vào bình cổ dài

Ly cà phê nóng hổi

Ly cà phê nóng hổi

Người dân thành phố thân thiện và đam mê tạo dáng cho người chụp ảnh, nếu như ở những nước coi trọng sự riêng tư thì việc giơ máy chụp người đã là rất khó khăn rồi. Ở đây mình có dịp gặp những cô cậu trẻ đang tập tành nhiếp ảnh tại Công viên Hữu Nghị (Friendship Park), là mấy nhóc vui vẻ bán trái cây dọc đường về khách sạn, hay là những công nhân trên xe tải chạy ngang đường.

Con người ở Addis Ababa Con người ở Addis Ababa
Con người ở Addis Ababa

Tất nhiên bạn vẫn phải tránh lang thanh một mình lúc nhá nhem tối, đó là bài học hàng đầu. Mình nhớ lúc đang đi bộ về khách sạn thì có một tay đứng ngoài đường giả vờ hắt xì để có cớ lau áo, nhưng thực ra là tranh thủ móc túi, hên là mình giật lại được. Còn với con gái từ xứ lạ đến đây thì chắc chắn là không nên đi như vậy được. Ngoài nạn móc túi, du khách cũng cần phải đề phòng việc xin đểu khi người ta cố gắng đi theo và nói chuyện một đoạn dài nữa.

Trên đường Haile Gebrselassie lúc chợp tối Trên đường Haile Gebrselassie lúc chợp tối
Trên đường Haile Gebrselassie lúc chợp tối
Một khách sạn
Một khách sạn

Một điều đặc biệt là cư dân ở đây sử dụng xe buýt rất nhiều, mình có thể bắt gặp những hàng dài rồng rắn dọc vỉa hè để chờ lên xe buýt, không quá hối hả và bon chen. Khi đi trên phố tầm 8 giờ sáng và 4 giờ chiều, bạn có thể thấy cơ man nào là đồng phục học sinh hay những tấm khăn vấn đầu đi ken hết những con đường, trông cực kỳ vui mắt.

Hàng dài chờ xe buýt
Hành khách trên xe buýt
Hành khách trên xe buýt

Tuy vậy, ở thành phố xe hơi cũng rất nhiều, nhưng di chuyển có trật tự, và họ cũng có kẹt xe giờ tan tầm như ai. Xe hơi ở đây trông khá cũ kỹ, hệt như hồi mình đến Khiva vậy.

Cũ kỹ và hiện đại Cũ kỹ và hiện đại Cũ kỹ và hiện đại Cũ kỹ và hiện đại
Cũ kỹ và hiện đại
Toàn cảnh Addis Ababa buổi sớm

Dạo quanh thành phố

Vùng trung tâm

Addis Ababa là một thành phố năng động, nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan Liên Hợp Quốc tại châu Phi, không kém một thành phố hiện đại nào khác. Khi đi trên đường, bạn có thể sẽ choáng ngợp trước số lượng các công trình đang xây dựng, lẽ tất nhiên, cũng kèm rất nhiều bụi bặm. Một phần lớn tiền đầu tư đến từ Trung Quốc, ngay cả các con đường quốc lộ tỏa khắp nơi trên quốc gia này cũng đang được xây bởi công nhân Trung Quốc, nên khi bạn là người Á Đông đi trên phố ở đây, không ngạc nhiên nếu bạn bị gọi là ‘China’.

Hàng xe dài gần Quảng trường Meskel

Hàng xe dài gần Quảng trường Meskel

Đường phố vào buổi sáng

Đường phố vào buổi sáng

Từ Công viên Hữu Nghị cũng do Trung Quốc xây bạn có thể phóng tầm mắt nhìn về phía trung tâm tài chính của Addis Ababa vô cùng đẹp đẽ và hoành tráng ở phía tây. Chỉ tầm hơn 10 năm trước thôi nơi đây vẫn còn là những khu phố ổ chuột nhếch nhác, nhưng giờ chúng đã được thay bằng những tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, việc xây dựng ở đây không sử dụng những công nghệ tiên tiến lắm, không có bao che hay sử dụng những hệ giàn giáo chắc chắn.

Trung tâm tài chính nhìn từ Công viên Hữu Nghị
Trung tâm tài chính nhìn từ Công viên Hữu Nghị

Tất nhiên cũng không thể thiếu những con phố yên tĩnh, xinh xắn, với những chiếc xe sang đậu dưới tán cây, như con hẻm của khách sạn mình (Social House Addis Ababa) rẽ từ đường Mickey Leland.

Góc phố xinh xắn
Một người băng qua đường

Bảo tàng Quốc gia Ethiopia

Khi du lịch Ethiopia, ta nên để ý rằng quốc gia này là một quốc gia không hề tầm thường, đó là một trong những cái nôi của loài người, quốc gia châu Phi hiếm hoi có lịch sử được ghi chép lại, và họ cũng đã tránh được cơn bão đô hộ càn quét qua châu lục này thời Cận Đại. Từ chữ viết Ge’ez như đang nhảy múa trên giấy đến những tác phẩm nghệ thuật và thời trang, chúng đều mang những đặc trưng không thể nhầm lẫn, hòa trộn sự ảnh hưởng từ nghệ thuật Chính thống giáo (Coptic, Byzantine) và văn hóa bản địa châu Phi, trong bối cảnh đất nước này tương đối cô lập với những quốc gia xung quanh về mặt địa lý cũng như tôn giáo.

Và tất nhiên rồi, Bảo tàng Quốc gia Ethiopia là một nơi hoàn hảo để có cái nhìn toàn cảnh về văn hóa và lịch sử nước này. (Nếu đi một mình, bạn cũng cần tránh những tay tự xưng là hướng dẫn chèo kéo ở ngoài cổng vào, vì bạn sẽ không biết giá sẽ bị hét như thế nào đâu.)

Bên trong bảo tàng
Bên trong bảo tàng

Có hẳn một tầng để trưng bày những hóa thạch vượn người và người tối cổ, nổi tiếng nhất trong số đó là hóa thạch Lucy (hay còn có tên là Dink’inesh (ድንቅ ነሽ)) với niên đại 3,2 triệu năm, là hóa thạch vượn người Australopithecus. Hóa thạch Lucy được phát hiện vào thập niên 1970 và được đưa về Ethiopia vào năm 2013, những gì được trưng bày ở các bảo tàng trên thế giới (ngay cả ở bảo tàng này) đều là tiêu bản.

Tiêu bản Lucy
Tiêu bản Lucy

Các bức tranh của Ethiopia mang đậm ý nghĩa lịch sử - tôn giáo và chịu ảnh hưởng từ mỹ thuật Byzantine, với những đường nét cơ thể đơn giản, màu sắc rực rỡ, mắt to, có hào quang, đặc biệt là màu da ngăm. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp chúng trên mặt tiền của những nhà thờ, và ngay cả những tranh thờ đặt trên tay lái ô tô.

Chợ Mercato

Vào ngày cuối ở Ethiopia mình ghé qua khu chợ nổi tiếng Mercato (መርካቶ). Kỳ thực thì đi taxi ngay cả khi dùng app khá là đắt đỏ. Mọi người sẽ nghĩ châu Phi thì mọi thứ sẽ rẻ, nhưng không, từ đồ ăn cho đến chỗ ở và đi lại đều chẳng khác những nước phát triển là bao.

Chợ Mercato
Chợ Mercato

Trời Addis Ababa đủ mát để xoa dịu đi những làn khói đốt khét lẹt ngay ngoài đường; ở đây, người ta còn dắt lừa, ngựa đi trên phố.

Khói mù khét lẹt
Khói mù khét lẹt

Vì khu chợ xô bồ và bụi bặm nên mình chỉ đi dạo vài vòng, nếu có hướng dẫn bản địa có lẽ sẽ tốt hơn. Còn nếu để mua chút quà mang về nhà, mua ở chợ chưa chắc là một ý hay; với cà phê, bạn có thể mua ngay tại sân bay với giá cả rõ ràng và thiết kế đẹp mắt (cà phê vùng Yirgacheffe và Sidamo nổi tiếng hơn cả), hoặc là ghé một cửa hiệu Tomoca trong thành phố. Bạn phải dùng cho hết số tiền Ethiopia bạn đổi lúc đầu, vì bạn không thể đổi ngược lại thành ngoại tệ để mang về, nên hãy cân nhắc chỉ đổi tiền vừa đủ cho chuyến đi.

Những người ở chợ
Những người ở chợ
Quang cảnh khu chợ

Chợ Mercato cũng là điểm tham quan cuối của mình trước khi bay về. Tất nhiên, đây là một hành trình không suôn sẻ cho lắm, khi đến giờ gần chót hệ thống nối chuyến còn trục trặc trong việc cập nhật giờ khởi hành, rất may là vì mình đến sớm nên có thể giải quyết kịp thời. Đó cũng là một kinh nghiệm quý báu: với những quốc gia có nền dịch vụ chưa phát triển, hãy luôn đề phòng những bất trắc khó ngờ tới.

Cảnh trước nhà thờ vào một ngày lễ

Bình luận

Đi tới Album Flickr

Bài viết này là một phần của series Ethiopia.

Viết vào tháng 3 năm 2024 © Zuyet Awarmatik.

Về chiếc page này

Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.

Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.

Theo dõi mình trên
Ngôn ngữ khả dụng
EnglishTiếng Việt

Ta lại đi một mình trên những chặng đường xa xôi, nhưng đó là thanh xuân thoáng qua mà sau này nó không thể trở lại.