Thật là một điều đặc biệt khi ta mắc kẹt trong giao thông tại thủ đô của đất nước thưa dân nhất thế giới.
Những giờ hoàng hôn ở quảng trường là khoảng thời gian mình được thực sự hòa mình vào nhịp sống địa phương, được thư giãn đầu óc và buông xõa đúng nghĩa.
Nguyên một năm 2024 mình chỉ đi duy nhất một chuyến du lịch, đó là chuyến Mông Cổ này; đến tận sát chuyến đi, mình vẫn chưa tích góp đủ cái tinh thần hồi hộp phấn chấn chờ đợi, và điều này rất khác so với đúng mười năm trước trong chuyến du lịch đầu tiên, Nhật Bản. Nhưng kỳ lạ thay, tại thời điểm bước chân vào sân bay đi, mọi năng lượng và những kinh nghiệm xê dịch bỗng ùa về như khoảnh khắc bật công tắc vậy.
Để đến Ulaanbaatar mình phải transit qua Incheon. Vì đã quen với văn hóa Hàn nên mình khá thích và nhớ mấy giờ nghỉ chân ở đây, tận dụng thời gian để lang thang qua những hiệu sách, những kệ album K-Pop và đồ lưu niệm xinh xinh.
Trải nghiệm trên máy bay của hãng hàng không MIAT Mongolian Airlines là một điều gây ấn tượng sâu đậm, vì hệ thống giải trí có nhiều những bộ phim, những chương trình truyền hình cũ, cũ tới độ trắng đen, còn đồ ăn sẽ lạt vị y như ẩm thực địa phương vậy.
Mình đáp xuống Mông Cổ vào rạng sáng và phải vật vờ tại sân bay, sân bay khá nhỏ nhưng có những cửa hàng tiện lợi và chỗ ngồi được trang bị ổ điện, tiện để giết thời gian hoặc ngủ gật. Có cảm tưởng mọi du khách đều đến từ Hàn Quốc với hàng đoàn nhóm bạn bè hay gia đình quây chụm khắp các góc nghỉ.
Thứ chào đón mình khi bước ra khỏi sân bay Chinggis Khaan chính là ánh sáng bình minh tuyệt trần từ nền trời phẳng lì, in trên nó là bóng những ngọn đồi thoai thoải mềm mại đặc trưng của thảo nguyên. Bình minh và hoàng hôn Mông Cổ là niềm cảm hứng xuyên suốt chuyến đi này.
Trong một sáng Chủ nhật đẹp trời nắng xanh ngắt, mình dạo bộ trên con đường vắng lặng từ khách sạn về trung tâm thành phố, Quảng trường Sükhbaatar. Đây được coi là trải nghiệm đầu tiên đầy may mắn, vì thành phố này sẽ diện lên một bộ mặt hoàn toàn khác vào buổi tối: những hàng dài phương tiện giao thông trong bầu không khí đặc quánh khói bụi từ xe cộ, nhà máy và lò sưởi.
Quảng trường là nơi ta sớm cảm được cái không giao bao la rộng lớn của đất nước này. Được đặt theo tên người anh hùng dân tộc Damdin Sükhbaatar, một trong những nhà lập quốc của Mông Cổ hiện đại, ở chính giữa quảng trường sẽ là tượng Sükhbaatar cưỡi ngựa. Tại mặt tiền tòa nhà chính quyền không gì khác đó là bức tượng Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan) khổng lồ, biểu tượng vĩ đại của các dân tộc Mông Cổ, hai bên là tượng Oa Khoát Đài (Ögedei) và Hốt Tất Liệt (Kublai Khan), cùng hai vị tướng trung thành Muqali và Bo’orchu đang cưỡi ngựa. Những bức tượng được hoàn thành vào năm 2006, nhân kỷ niệm 800 năm lên ngôi của Thành Cát Tư Hãn, ngay trên vị trí lăng của Sükhbaatar và Choibalsan đã được phá dỡ.
Vì là Chủ nhật cũng như đây không phải là một thành phố nhộn nhịp lắm nên mãi mình mới tìm thấy được một nơi để ăn bữa sáng du lịch đầu tiên hay để mua SIM. Thậm chí một nhà hàng mở cửa buổi trưa với thực đơn bằng tiếng Anh cũng rất hiếm hoi, nên mình đành dùng tạm món Hàn cho bữa trưa mà không được trải nghiệm ẩm thực.
Vào buổi sáng quảng trường khá vắng lặng, mãi tới trưa mới có những tốp học sinh vận đồng phục đạp xe, chơi bóng chuyền ở nơi này. Tuy vậy, buổi chiều hôm đó mình có dịp được chứng kiến thế hệ trẻ nhảy những điệu K-Pop hiện đại trong Tuần lễ Hàn Quốc đang được tổ chức, và vì là dân nghe K-Pop, mình không khỏi không lắc lư và hòa mình theo dàn nhảy tập thể đầy năng lượng này.
Dynamite, hay Eve, Psyche & The Bluebeard’s Wife,…
Nhưng trên con đường đi bộ về khách sạn mang tên Travel vào hoàng hôn đó, thủ đô này lại khoác lên mình vẻ vắng lặng, hoặc đơn giản chỉ vì mình đã tình cờ đi vào lúc không có kẹt xe.
Cách không xa Quảng trường Sükhbaatar là Bảo tàng Quốc gia Thành Cát Tư Hãn. Một bảo tàng chín tầng hiện đại mới chỉ vừa khánh thành năm 2019, nơi bạn sẽ choáng ngợp và muốn nán lại tất cả các tầng. Mỗi tầng là một giai đoạn trong lịch sử Mông Cổ, từ thời Hung Nô, Đột Quyết, Duy Ngô Nhĩ, Liêu cho tới đế chế Mông Cổ, bị phân rã thành các tiểu Hãn quốc, sát nhập vào Mãn Thanh, lấy lại độc lập dưới thời Bogd Khan và sự hình thành của nước Mông Cổ hiện đại.
Có một bất tiện không nhỏ lắm là nhiều thông tin trong bảo tàng chỉ được viết bằng tiếng Mông Cổ, nên bạn có thể gặp khó khăn nếu cần hiểu tường tận hơn về lịch sử và sự kết nối giữa các gian trưng bày.
Tới Mông Cổ bạn sẽ được nghe câu chuyện về Cây Bạc ở Karakorum - đài phun nước bằng bạc được chế tác bởi người thợ thủ công Guillaume Boucher đến từ Paris xa xôi. Du khách hẳn sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi có một mô hình kim loại óng ánh, trên đỉnh có vị thiên thần Tây phương, ở dưới chân thì lại có bốn con sư tử theo phong cách Á Đông, đặt tại tầng cao nhất của bảo tàng. Nhưng điều đó cũng dễ hiểu, cố đô Karakorum của đế chế Mông Cổ là nơi mà thợ thủ công từ khắp nơi trên thế giới tề tựu và xây dựng nên một thành phố mà trong ngôn ngữ hiện đại, đó là thành phố toàn cầu.
Không quá khó để tìm đường lên tu viện này, nhưng những con phố ger xung quanh hẵng còn là đường đất chưa trải nhựa, và công viên phía trước thì có rất rất nhiều bồ câu.
Vào thời điểm 4 giờ chiều, các vị sư trong tu viện bắt đầu tụ họp và thực hiện nghi lễ cầu kinh. Sắc áo tràng đỏ thắm lẫn giữa những hàng cây xanh của mùa hè Mông Cổ.
Về phía nam Quảng trường Sükhbaatar là đền Choijin Lama, và cũng như Gandantegchinlen, ngôi đền là địa điểm tôn giáo hiếm hoi còn sót lại sau năm 1939, hiện tại đóng vai trò là bảo tàng lưu giữ những hiện vật đặc biệt giá trị.
Trong chuyến đi về vùng ngoại thành phố, người hướng dẫn du lịch có đưa mình ghé qua Cung điện mùa đông của Bogd Khan về phía nam Ulaanbaatar.
Dưới góc nhìn của một du khách, cung điện có những nét tương đồng văn hóa Á Đông với Hàn Quốc, với lớp mái xanh lục và những hàng cột đỏ son.
Vào đêm cuối cùng ở Mông Cổ, sau những ngày dài ở vùng thảo nguyên mênh mông, thứ đón chào mình trên con đường dẫn vào nội ô Ulaanbaatar là đặc sản của thành phố này - kẹt xe.
Nếu không có những bài nhạc bắt tai của người lái xe, và tiếng trò chuyện huyên thuyên vui vui bằng ngôn ngữ mình vẫn cho là sexy, có lẽ mình đã phải ngao ngán chìm trong cơn buồn ngủ và cơn đói kéo dài tới 10 giờ tối.
Khi xe lao dốc trên con đường dẫn về thung lũng Ulaanbaatar, lấp ló ẩn dưới làn khói bụi mờ là những ánh đèn xe hơi tròn vo kéo dài về tận chân trời. Xa xa là những ngọn đèn từ khung cửa sổ những tòa nhà chung cư mọc lên như nấm nơi thành phố này.
Và để kết thúc bài viết một cách trọn vẹn, Mông Cổ tạm biệt mình bằng một buổi bình minh tuyệt đẹp nữa.
Bài viết này là một phần của series Mông Cổ.
Zuyet Awarmatrip là một định danh phụ trợ trong hệ sinh thái cá nhân của Zuyet Awarmatik, chuyên về mảng du lịch và nhiếp ảnh.
Mình là một người Việt, tự đặt biệt danh là một Đông-ba-lô ung dung tự tại, bên cạnh nghề chính là một kỹ sư phần mềm mảng UX. Không phải là một freelancer hay người du mục thời kỹ thuật số, trang web này chỉ để lưu lại những gì mình đã trải qua thay vì để chúng chìm vào quên lãng. Đồng thời mình cũng mong những chiếc ảnh sẽ mô tả được sự đa sắc của thế giới trần tục này.
Một cảm giác khó tả khi được đứng giữa Quảng trường Sükhbaatar, nhún nhảy theo điệu nhạc K-Pop, xung quanh là những bạn trẻ xa lạ mà quen thuộc, vào một khoảnh khắc trên thế giới này.